Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một quyết định cần cân nhắc kỹ

Tuấn Kiệt| 12/01/2013 06:16

(HNM) - Sau hơn 2 năm thực hiện lệnh cấm, Bộ NN&PTNT vừa có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép nhập khẩu trở lại nội tạng động vật trắng đông lạnh (dạ sách trâu bò, pín, dạ dày, tràng, mề gà...), bắt đầu từ quý I-2013.

Phải nói ngay là, nhắc đến nội tạng động vật, chắc chắn nhiều người sẽ mường tượng đến những vụ vận chuyển nội tạng ôi thiu, thậm chí thối rữa tuồn vào tiêu thụ ở các thành phố lớn mà cơ quan chức năng liên tục phát hiện, bắt giữ trong thời gian qua. Điều này cũng cho thấy rõ những cái chưa được trong việc kiểm soát, sử dụng loại thực phẩm này.

Thực tế, vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm ở nước ta đang ở mức… trên cả báo động, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của nội tạng động vật. Về mặt dinh dưỡng, chưa cần đến các nhà khoa học khuyến cáo, mà ngay trong dân gian, việc ăn nội tạng cũng không được khuyến khích vì chúng chứa nhiều chất béo, cholesterol, vi khuẩn… vốn là tác nhân dẫn đến các chứng xơ vữa động mạch, huyết áp cao, suy thận, tiểu đường, gout… Còn ở khía cạnh vệ sinh thì chắc chắn trong các sản phẩm động vật, nội tạng là nơi dễ nhiễm bẩn nhất, nơi tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh tật nhất. Nội tạng động vật là thứ mà ở các nước phát triển họ đều không dùng làm thực phẩm cho con người.

Cái lợi thì ít, cái hại thì nhiều, vậy chúng ta nhập khẩu nội tạng động vật để làm gì?

Theo lý giải từ phía Bộ NN& PTNT, chúng ta đang chịu sức ép quốc tế, và rằng năng lực kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm động vật nhập khẩu của Việt Nam đã được nâng lên. Nhưng xét ở cả hai yếu tố này đều thấy có những điều chưa ổn.

Thứ nhất, dù chúng ta có tham gia các thỏa ước quốc tế nào chăng nữa thì cũng phải căn cứ trên nhu cầu thực tế. Chúng ta chỉ nhập khẩu nếu trong nước thiếu hoặc bắt buộc phải nhập để phục vụ mục đích xã hội cấp thiết. Song, thực tế chính các nhà quản lý cũng khẳng định, thị trường trong nước không thiếu nội tạng động vật, việc nhập khẩu thêm vừa không tốt về mặt xã hội vừa ảnh hưởng đến chăn nuôi trong nước. Thứ hai là về năng lực kiểm soát. Chắc chẳng cần phân tích thì ai cũng rõ. Chúng ta đang thực hiện việc cấm nhập mà còn chưa kiểm soát hết, chứ đừng nói là cho phép. Thực tế, vì lợi nhuận, xem nhẹ sức khỏe của người tiêu dùng, nhiều đối tượng đã dùng mọi biện pháp để đưa nội tạng động vật đã thối hỏng, bốc mùi từ nước ngoài về nước tiêu thụ. Tình trạng này đang ngày càng "nóng" từ một số cửa ngõ biên giới như Lào Cai, Lạng Sơn vào đến các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Theo báo cáo của Cục Thú y lượng thịt, phụ phẩm gia súc, gia cầm nhập khẩu sử dụng làm thực phẩm năm 2012 là trên 82.200 tấn (gần 7.500 tấn/tháng). Như vậy, chỉ cần sơ sảy trong kiểm soát thì nguy cơ dịch bệnh "quá cảnh" vào trong nước là điều khó tránh.

Cần phải khẳng định, nội tạng động vật là mặt hàng không nên khuyến khích tiêu dùng, nếu không có cơ chế kiểm soát tốt nó còn làm tăng nguy cơ gây hại tới sức khỏe của con người. Và trong bối cảnh các ngành chức năng đã phải rất vất vả để ngăn chặn tình trạng nhập lậu nội tạng động vật, ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng… thì quyết định cho phép nhập khẩu nội tạng trắng cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một quyết định cần cân nhắc kỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.