Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể cứ thích là... tăng!

Dục Tú| 14/01/2013 06:38

(HNM) - Bên lề Hội nghị tổng kết công tác năm 2012 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lãnh đạo tập đoàn này cho biết, EVN đã thu lãi gần 6.000 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh trong năm qua.

Để có được kết quả đó, theo báo cáo, năm 2012,  EVN đã huy động vượt 5,5 tỷ kWh từ thủy điện so với kế hoạch; sản lượng phát điện bằng dầu cũng giảm tới 125 triệu kWh; tổn thất điện năng ở mức 9%, đã giảm 0,23% so với năm 2011... Và chắc chắn việc được phê duyệt 2 lần tăng giá điện trong năm 2012 cũng giúp EVN thu thêm nhiều nghìn tỷ đồng.

Xét về hiệu quả kinh doanh đối với một tập đoàn lớn của quốc gia như EVN thì kết quả trên là rất đáng mừng trong điều kiện kinh tế đất nước và thế giới đang ở giai đoạn suy giảm, làm ăn ngày càng khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp hoặc trong tình trạng hoạt động cầm chừng, hoặc buộc phải giải thể. Tuy nhiên, cũng tại hội nghị nêu trên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại của EVN. Trước hết là mức tổn thất điện năng vẫn còn cao (9%), cần giảm hơn (bình quân thế giới là 8,4%). Thứ hai là khoản lỗ tích lũy khoảng 40.000 tỷ đồng. Thứ ba là yếu kém trong quản lý dự án, giám sát thi công và quản lý chất lượng công trình. Thứ tư, giá điện ở Việt Nam giờ đã là 7,2 cent/kWh, thấp hơn một số quốc gia khác nhưng không phải là rẻ, vì vậy EVN phải đẩy dịch vụ đi theo tương ứng… Đại loại như vậy, nhưng điều đáng chú ý là có thông tin cho rằng, năm 2013 vẫn sẽ có khả năng tăng giá điện.

Cũng về giá cả một số mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu… phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác của ngành công thương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lưu ý: "Giá điện, giá xăng dầu, cần phải làm minh bạch hơn nữa. Nói xăng dầu không lãi nhưng các lĩnh vực khác thuộc Tập đoàn Petrolimex quản lý có lãi. Rồi việc tăng giá điện cũng sẽ tăng lãi. Việc có lãi nhưng vẫn tăng giá, người dân và chuyên gia người ta có quyền hỏi là đúng".

Vậy chuyện ở đây là vấn đề công khai, minh bạch. Lấy ví dụ như thị trường chứng khoán, mỗi khi có mã cổ phiếu mới "lên sàn", doanh nghiệp phải thuyết trình đường lối, cách thức kinh doanh, biện pháp quản trị… Có như vậy mới thuyết phục được các nhà đầu tư. Đó là quan hệ thị trường, quan hệ đầu tư sòng phẳng. Có niềm tin thì nhà đầu tư mới bỏ vốn để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Tiếp đó, hàng tháng, hàng quý và cả năm, doanh nghiệp phải báo cáo nhà đầu tư cụ thể tình hình hoạt động, hàng tồn kho, phần lỗ, phần lãi… Ấy là sự công khai minh bạch cần phải có trong cơ chế thị trường. Ở một số khía cạnh nhất định, người dân có quyền đòi hỏi về sự công khai minh bạch tương tự đối với giá những mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, nước sạch…

Chúng ta đang tiến tới xóa bỏ sự độc quyền trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh, nêu cao tính công khai, minh bạch. Không phải đối với từng mặt hàng, cứ thích tăng giá là được. Cụ thể đối với các cơ quan chức năng cần những cơ chế quản lý, kiểm soát chặt chẽ giá cả; đối với các đơn vị, doanh nghiệp hiện đang được Nhà nước giao nhiệm vụ kinh doanh những mặt hàng thiết yếu trong đời sống cần nhanh chóng tái cơ cấu hoạt động, tiếp cận phương thức quản lý hiện đại, đổi mới bộ máy tổ chức, giảm tỷ lệ thất thoát, thay thế công nghệ, dây chuyền sản xuất lạc hậu… Có như vậy thì dư luận xã hội, cụ thể là người tiêu dùng mới chấp nhận được mức giá hợp lý mà doanh nghiệp đưa ra và triệt tiêu kiểu làm ăn… chỉ tăng, không giảm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể cứ thích là... tăng!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.