Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đôi bên đều đáng trách

Vũ Duy Thông| 29/01/2013 06:01

(HNM) - Ngành y tế lâu nay có nhiều chuyện lùm xùm. Chuyện khám chữa bệnh cho người có bảo hiểm y tế, quá tải bệnh viện, chuyện y đức, đời sống cán bộ, sắp xếp cán bộ… và cả cách can thiệp của ngành y tế về ATVSTP nữa, ngày nào cũng có trên các mặt báo. Nhưng có một chuyện ít được đề cập, đó là thói sính ngoại trong khám chữa bệnh.

Đời sống càng bớt khó, người dân càng sính ngoại: ô tô ngoại, thời trang ngoại, chữa bệnh cũng… ngoại. Thói sính ngoại trong khám và chữa bệnh nhiều phần xuất phát từ tâm lý của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Xã hội nói chung còn nghèo nhưng ở Việt Nam bây giờ triệu phú USD không hiếm. Tiền có nhiều nhưng nếu mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, suy thận, viêm gan, huyết áp, tiểu đường… thì tiền cũng "không là gì" so với mạng sống. Người ta sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền để cứu lấy sự sống hoặc ít ra là kéo dài sự sống, nếu không được như vậy thì cũng không để những ngày sống cuối cùng phải khổ sở. Và thế là đi Trung Quốc, đi Mỹ, đi Singapo, tiền tỷ hoặc vài tỷ, chục tỷ cũng không tiếc.

Không phải tất cả những người "sính ngoại" đều mù quáng tin theo những quảng cáo về trình độ, thiết bị, điều kiện chăm sóc người bệnh ở nước ngoài. Người ta biết với nhiều bệnh, chữa ở nước ngoài cũng không hơn gì trong nước, lại tốn kém hơn rất nhiều. Thói sính ngoại còn có nguyên nhân khách quan của nó. Đó là trình độ khám chữa bệnh của cán bộ y tế nước ta còn thấp; cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu thốn, từ máy móc thiết bị đến buồng bệnh, giường bệnh; y đức của cán bộ y tế sa sút… mỗi lần vào bệnh viện là một lần bệnh nhân bị đày ải, nhiều khi tiền mất tật mang, tốn kém không chênh bao nhiêu so với nước ngoài mà vẫn không khỏi bệnh. Thế là, dù xa xôi, dù tốn kém cũng xuất ngoại, đi để được đối xử tử tế, thuốc men và việc phục vụ đáng đồng tiền...

Theo một ước lượng, mỗi năm nước ta có khoảng 40.000 người đi chữa bệnh ở nước ngoài, tốn kém cho xã hội 2 tỷ USD. Với số tiền này (khoảng 44.000 tỷ VND) có thể xây thêm nhiều bệnh viện hiện đại hoặc trang bị thêm nhiều thiết bị y tế vào loại tiên tiến của thế giới, phục vụ và cứu sống không chỉ một mà hàng trăm người. Nghe qua chuyện chảy máu vàng và ngoại tệ từ dòng người đổ xô đi chữa bệnh ở nước ngoài tưởng như chuyện nhỏ nhưng ngẫm kỹ những số liệu này không hề nhỏ. Nó bằng 22% lượng kiều hối và 12% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm ngoái. Nó vượt cả số ngoại tệ mạnh và vàng tuồn ra nước ngoài do nạn buôn lậu thuốc lá qua biên giới.

Càng tiếc, càng trách những người sính ngoại, những người giàu không nghĩ đến lợi ích của nước nhà, sẵn sàng ném tiền tỷ ra vì một sự tin tưởng nhiều khi chỉ là vu vơ. Nhưng trách họ (mà trách đúng) cũng cần trách cả ngành y tế. Vì sao các doanh nghiệp y tế nước ngoài coi thị trường chữa bệnh nước ta là béo bở thì ngành y tế của ta lại thua ngay trên sân nhà, không chỉ mất bệnh nhân cho các nhà thuốc, phòng khám, bệnh viện của họ ở trong nước mà còn mất hàng chục nghìn bệnh nhân cho những cơ sở chữa bệnh của họ ở nước ngoài.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đôi bên đều đáng trách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.