Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tết dè sẻn và những tín hiệu mới

Dục Tú| 04/02/2013 05:45

(HNM) - Cuối năm Nhâm Thìn, bức tranh kinh tế nước nhà không sáng bằng mọi năm, nhiều doanh nghiệp gặp khó, những nơi chưa đến mức "sập tiệm" cũng phải nghĩ chuyện dành dụm toan tính đường xa. Mức thưởng nhìn chung là giảm, đồng nghĩa với một cái tết tiết kiệm hơn năm cũ.



Trên bình diện quốc gia, nhiều tỉnh, thành phố siết chặt kỷ cương, tăng cường trấn áp tội phạm. Chính phủ thắt chặt chi tiêu, lại tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, diện người quen vun vén những "mảnh" rơi vãi có từ sự quản lý lỏng lẻo thu hẹp lại, không còn nghe nhiều chuyện khó nghe ở nhóm quen chơi trội nhờ kiếm tiền quá dễ…

Hôm qua đã là ngày tiễn ông Công, ông Táo. Hai mươi ba tháng Chạp, Hà Nội trước thềm năm mới Quý Tỵ có gì đó khác lạ so với nhiều năm nay. Chợ đào, quất từ mạn Gia Lâm về Hoàng Quốc Việt, Mai Dịch, ra hướng Nhổn, Trôi hay qua mạn Lê Văn Lương kéo dài, thường thấy người hỏi nhiều hơn mua. Người trả tiền mua về cành đào có giá 2-3 triệu đồng đã là "mạnh tay", cảnh đánh cả gốc, phải thuê xe tải chở đào, quất về nhà chỉ thấy lác đác. Ra chợ, vào siêu thị sắm hàng tết, cái sự đông đúc nhộn nhịp kẻ bán người mua vẫn còn đó nhưng cách mua, cách chọn hàng hóa đã thấy khác mọi năm. Nhiều người nói rằng họ chỉ tìm mua thứ thật cần và quan trọng là mua với số lượng vừa phải… Cảm nhận dựa trên trải nghiệm thực tế, trong một khu vực hẹp nên không có tính đại diện, nhưng đã cho thấy những tín hiệu về sự chuyển hướng trong cách thức tiêu dùng dịp Tết Quý Tỵ. Ở số đông, đó là sự thiết thực và dè sẻn chứ không vung tay.

Trưa qua, bản tin thời sự VTV phỏng vấn tiểu thương, người tiêu dùng ở một số chợ, chứng minh một tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh đa số giảm chi tiêu: giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu trong dịp tết chỉ tăng nhẹ, không có tốc độ tăng ồ ạt chóng mặt như nhiều năm trước. Người bán biết nghĩ việc giữ khách, lấy số lượng làm đầu; người mua tương đối nhẹ nhõm, cho giá cả ở mức "chấp nhận được". Đó là những điều đáng mừng trong một năm không suôn sẻ trên phương diện kinh tế. Trong khó khăn, nhiều người điều chỉnh thói quen, theo hướng tiết kiệm và chừng mực, sự lố bịch từ cách thức chi tiêu vô tội vạ vỡ một mảng lớn. Liệu Quý Tỵ 2013 có là cái tết khởi đầu cho xu hướng kinh doanh, thói quen tiêu dùng đúng mực trong những năm tiếp theo? Tư tưởng trục lợi thường trực, "đến tết là giá phải tăng", "người ta tăng cả, mình không tăng cũng thiệt", có giảm ở tết sang năm? Những chuyện lớn lao như vậy chưa thể đoán chắc vào lúc này, nhưng, ít nhất thì tín hiệu đã có, chắc có tác động ít nhiều đến thói thường bao năm qua.

Xuân Quý Tỵ 2013 đã thấy thấp thoáng trong sự rủi có điều may. Những tín hiệu tích cực đầu tiên cho phép hy vọng vào một sự đổi thay đáng chờ đợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết dè sẻn và những tín hiệu mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.