Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thả nổi đến bao giờ?

Thủy Tiên| 10/03/2013 06:04

(HNM) - Người đi xe máy tham gia giao thông bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm đã được đưa vào trong Luật Giao thông đường bộ, vì đội mũ bảo hiểm không chỉ bảo đảm an toàn cho chính họ mà còn góp phần hạn chế số người tử vong vốn đang là vấn đề nhức nhối ở nước ta trong nhiều năm qua. Thế nhưng, dù đã có rất nhiều hội nghị, hội thảo cùng các biện pháp kèm theo, tuy nhiên việc quản lý chất lượng mũ bảo hiểm vẫn bị buông lỏng...

Ngày 7-3, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an Hà Nội) đã phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra các cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm tại phố Huế, nơi được xem là trung tâm buôn sản phẩm này ở Thủ đô. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã thu giữ một lượng lớn chủng loại mũ không rõ nguồn gốc, không dán tem kiểm định và không có chứng từ hóa đơn. Những chiếc mũ bị tịch thu có phải là hàng kém chất lượng, hàng nhái hay không thì cơ quan kiểm định chất lượng có trách nhiệm làm rõ. Song có thể thấy, nếu quản lý chặt chẽ chắc sẽ không có chuyện công khai bán hàng không xuất xứ, không dán tem kiểm định... Theo các nhà sản xuất mũ bảo hiểm trong nước, ước tính trên thị trường hiện nay có đến 80% số mũ đang lưu hành là hàng giả, hàng kém chất lượng, trong đó có không ít mũ nhập khẩu. Bằng chứng là các doanh nghiệp lớn như: Tân Tiến, Chí Thành phải thu hẹp sản xuất vì không thể cạnh tranh nổi do giá bán của mũ "dởm" rất thấp.

Và khi tham gia giao thông, ai cũng dễ dàng nhận ra khá nhiều chiếc mũ bảo hiểm được cho là thời trang lô nhô trên đường.

Theo quy định hiện nay, mũ bảo hiểm nhập khẩu vào Việt Nam phải được kiểm tra chất lượng và dán nhãn hợp quy theo từng lô hàng trước khi đưa ra thị trường. Thế nhưng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, ngoài Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng khu vực 3 thì một số đơn vị khác cũng được chỉ định kiểm nghiệm và cấp giấy chứng nhận hợp quy, thế nên không thể biết đơn vị nào dễ dãi trong cấp phép. Đối với doanh nghiệp trong nước, nếu đạt yêu cầu, doanh nghiệp sẽ được cấp giấy chứng nhận và tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Song vấn đề nằm ở chỗ, nhiều cơ sở sản xuất không đăng ký chứng nhận sản phẩm hợp quy, sản xuất chui rồi bán thẳng ra thị trường. Tem chống hàng giả, tem hợp quy cũng bị làm giả và bán tràn lan càng tạo điều kiện cho những sản phẩm không được kiểm định chất lượng đội lốt hàng "xịn" bày bán công khai.

Mũ bảo hiểm là mặt hàng kinh doanh có điều kiện và không dễ sản xuất, phải có máy móc thiết bị nên cơ quan chức năng càng thuận tiện trong thanh tra, kiểm tra, thế nhưng sao hàng kém chất lượng vẫn tung hoành? Tình trạng quản lý yếu kém không chỉ bóp chết các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng mà còn gây nguy hiểm cho người đội mũ "dởm" tham gia giao thông gặp tai nạn.

Trước tình trạng thiếu trách nhiệm, yếu kém trong quản lý mũ bảo hiểm, ngày 8-3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Việc Thủ tướng Chính phủ phải ra chỉ thị cho thấy công tác quản lý bị buông lỏng đến thế nào? Thiết nghĩ, ngành chủ quản cần làm rõ trách nhiệm bởi họ chính là công chức "Sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" như Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu gần đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thả nổi đến bao giờ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.