Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thêm một sự lãng phí cần phải được điều chỉnh bằng luật

Hoàng Thu Vân| 20/03/2013 05:46

(HNM) - Phiên họp chiều 18-3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) có khá nhiều ý kiến đáng chú ý.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét, đọc xong luật cũng không biết làm cách nào để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bởi các điều khoản đưa ra đều chung chung "phải làm thế này, phải làm thế kia" mà không hề chỉ ra thế nào, cần làm gì để chống được lãng phí. Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, luật cần đưa ra được lĩnh vực nào, mảng nào đang lãng phí, từ đó thiết kế những điều khoản cụ thể để điều chỉnh hành vi lãng phí. Như vậy, luật mới có thể đi vào cuộc sống.

Đặc biệt có ý kiến đánh giá, việc ban hành cơ chế, chính sách không phù hợp, thiếu tính khả thi, không tính đến nguồn lực thực tế cũng là nguyên nhân dẫn đến lãng phí lớn.

Và đây chính là vấn đề cần bàn.

Điều dễ nhận thấy là những ý kiến nhận xét, đánh giá nêu trên hoàn toàn chính xác. Những hạn chế như vậy trong việc soạn thảo luật cũng như các văn bản dưới luật của chúng ta không chỉ thể hiện tại dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Điều đó dẫn đến có rất nhiều vấn đề mà các quy định của pháp luật, các văn bản dưới luật khó đi vào cuộc sống, nói cách khác là không khả thi. Vậy nên có những quy định, cơ chế, chính sách chỉ tồn tại dưới hình thức văn bản mà không thể phát huy được tác dụng trong thực tế đời sống để có thể điều chỉnh hành vi của từng cá nhân trong xã hội.

Với những vấn đề trong từng thời điểm mà dư luận bức xúc, có thể thấy các cơ quan chức năng đều nhanh chóng đưa ra những giải pháp bằng cơ chế, chính sách nhằm giải tỏa và để chứng minh việc thực hiện trách nhiệm được giao trong công tác quản lý nhà nước. Song vấn đề là ở chỗ, dường như các cơ quan chức năng của chúng ta lại quá… dễ dãi trong việc tham mưu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Theo số liệu thống kê của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), hằng năm tỷ lệ văn bản quy phạm pháp luật do các ngành, các địa phương ban hành nhưng lại… vi phạm pháp luật là khoảng 30%. Nguyên nhân của tình trạng này có cả nhận thức, trình độ chuyên môn của người soạn thảo, cơ quan soạn thảo văn bản, có cả yếu tố về cơ chế quản lý, kiểm tra giám sát, thẩm định... Thế nên mới có những kiểu "tham mưu" như phương tiện giao thông biển số lẻ lưu hành ngày lẻ, biển số chẵn lưu hành ngày chẵn; hay những hàng quán dịch vụ ăn uống phải "trưng" công khai kết quả kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm để bàn dân thiên hạ cùng biết (kể cả không đạt yêu cầu); hoặc việc chỉ được bán "thịt tươi" trong 8 giờ sau khi giết mổ gia súc… Đó là những đề xuất chính sách quản lý kiểu… "trên trời", không có tính khả thi. Và nhiều văn bản quy phạm pháp luật sau khi ban hành đã phải khẩn trương thu hồi vì những cơ chế, chính sách quản lý đưa ra không những không giải quyết được các bất cập tồn tại mà còn gây thêm bức xúc trong dư luận xã hội.

Trở về với cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều 18-3, đã có ý kiến đề xuất phải đưa vào dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) những điều khoản để xử lý việc ban hành những cơ chế, chính sách không phù hợp, thiếu tính khả thi bởi điều đó cũng gây lãng phí lớn cho xã hội. Cần thiết phải như vậy, nhưng trước hết phải làm rõ trách nhiệm của những đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm soạn thảo những văn bản quy phạm pháp luật cũng như những đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm trong việc thẩm định những văn bản này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thêm một sự lãng phí cần phải được điều chỉnh bằng luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.