Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sao lại khoán phạt?

Thủy Tiên| 24/03/2013 06:15

(HNM) - Ngày 21-3, báo Tiền Phong đưa tin, lực lượng tự quản TTĐT phường Thịnh Quang, quận Đống Đa đã chặn các phương tiện tham gia giao thông vi phạm Luật Giao thông đường bộ tại khu vực ngã ba đường Láng - Thái Thịnh và xử phạt các cá nhân vi phạm. Từ trước đến nay, người ta chỉ thấy cảnh sát giao thông mới có quyền lập chốt và xử phạt các cá nhân sai phạm, vì sao trật tự một phường lại làm thay cảnh sát giao thông?

Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Tiền Phong, Trưởng công an phường Thịnh Quang, ông Nguyễn Duy Hưng đã thành thật xin lỗi người dân và ông phân trần: "Thú thật do áp lực nặng quá, một tháng bị giao chỉ tiêu 50 triệu đồng, nên anh em mới đi lập chốt, đi phạt. Lỗi nặng nhất là ô tô, nhưng không xử phạt được vì toàn chỗ quen biết, quen ông nọ, ông kia… không làm được...".

Việc giao chỉ tiêu phạt (sự thật là khoán phạt) cho các phường trên địa bàn Hà Nội không phải bây giờ mới có mà thực tế ít nhất là đã xuất hiện cách đây hai năm. Trả lời phỏng vấn Báo Tiền Phong năm 2011, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Trần Thùy cho biết: Năm 2011, Công an Hà Nội được Bộ Công an khoán phạt là 220 tỷ đồng, năm 2012 là 500 tỷ đồng. Và để hoàn thành chỉ tiêu của bộ giao thì Công an Hà Nội buộc phải giao khoán cho các quận, các đội cảnh sát giao thông và công an quận lại giao cho từng phường.

Theo Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2-4-2010 của Chính phủ về "Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ", tại mục 1, chương III "Thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính", có phân định thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì ngoài lực lượng chuyên trách là cảnh sát giao thông, một số lực lượng khác được tham gia xử phạt bao gồm: Chủ tịch UBND các cấp, trưởng công an các cấp (trừ trưởng công an cấp xã) có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại nghị định này trong phạm vi quản lý của địa phương mình. Nghị định cũng quy định cảnh sát trật tự, cảnh sát phản ứng nhanh, cảnh sát cơ động, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, trưởng công an cấp xã/phường trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ có thẩm quyền xử phạt đối với một số hành vi như đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ, dừng đỗ sai quy định, không đội mũ bảo hiểm, sử dụng còi không đúng quy định, điều khiển xe trong tình trạng say xỉn, có chất ma túy, tụ tập từ 3 xe trở lên ở lòng đường, điều khiển xe thành đoàn gây cản trở giao thông... Nghị định cũng quy định thanh tra đường bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ cũng có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải, khi phương tiện (có hành vi vi phạm) dừng, đỗ trên đường bộ… Trong nghị định không điều khoản nào cho phép trật tự đô thị được phép xử phạt. Vì áp lực chỉ tiêu được giao mà công an phường Thịnh Quang đưa đội trật tự ra đường lập chốt, vung gậy phạt chủ phương tiện tham gia giao thông sai phạm là sai nghị định của Chính phủ.

Giả sử nếu tháng ấy, ở tỉnh, thành, quận, phường... ấy số người vi phạm giao thông rất thấp (vì ý thức người tham gia giao thông đã được nâng lên) và họ không bảo đảm chỉ tiêu phạt được giao thì sao? Liệu đã có đơn vị, cá nhân nào vì để tránh án kỷ luật, tự bỏ tiền túi ra để bù vào phần thiếu hụt? Một câu hỏi đặt ra: Không biết Bộ Công an căn cứ vào đâu để khoán phạt cho công an các tỉnh, thành?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sao lại khoán phạt?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.