Theo dõi Báo Hànộimới trên

Muộn vẫn phải làm!

Thủy Tiên| 11/08/2013 05:47

(HNM) - Hội thảo "Âm nhạc dân tộc với đời sống hôm nay" do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc phối hợp với Nhạc viện TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 9-8 là lời cảnh báo tiếp theo về sự thờ ơ của khán giả, sự thiếu quan tâm của cơ quan chức năng, thiếu ưu ái của giới truyền thông đối với tài sản quý báu này. Thực ra, không chỉ âm nhạc, các loại hình nghệ thuật có hai chữ "dân tộc" đằng sau đều trong tình trạng báo động.


Từ nhiều năm nay, các nghệ sỹ Nhà hát Tuồng Việt Nam đã trăn trở, kiếm tìm lối đi để khán giả hôm nay đến với bộ môn nghệ thuật bác học này, nhưng xem ra không mấy kết quả. Rạp Hồng Hà (Hà Nội) hiếm khi đỏ đèn. Với chèo, cũng ít khi thấy Nhà hát Chèo Việt Nam hay Nhà hát Chèo Hà Nội nhộn nhịp khán giả như những năm 80 của thế kỷ trước. Các trích đoạn vẫn thi thoảng diễn ở đâu đó cho khán giả cao tuổi xem, còn vở dài thì lâu rồi không thấy. Cải lương ra đời muộn hơn, mới ngót trăm năm và là nghệ thuật dành cho tầng lớp thị dân. Song cách đây không lâu, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã phải pha trộn cải lương với điện ảnh trong vở "Yêu là thoát tội" để lôi kéo khán giả, tuy nhiên kết quả cũng không mấy khả quan. Ngoài ra, sân khấu Dù kê ở Nam bộ, ca kịch bài chòi Nam Trung bộ hay kịch hát Nghệ Tĩnh... cũng chỉ thấy tại hội diễn hay liên hoan sân khấu!

Có rất nhiều nguyên nhân khiến khán giả không mặn mà với sân khấu truyền thống. Nguyên nhân chủ quan đầu tiên xuất phát từ chính thể loại khiến khán giả trẻ khó tiếp nhận vì họ không hiểu. Nguyên nhân thứ hai là do các vở diễn thuộc loại hình sân khấu truyền thống thường có tiết tấu chậm, khó nghe rõ lời, nhất là các vở tuồng cổ có nhiều từ Hán - Nôm. Trong khi đó, chưa có nơi nào quan tâm tổ chức, truyền bá kiến thức để khán giả trẻ hiểu được trình thức, tính ước lệ, tại sao lại là nghệ thuật tả ý... trong sân khấu dân tộc là nguyên nhân khách quan nhưng giữ vai trò quan trọng để khán giả đến với nghệ thuật dân tộc.

Sân khấu nói riêng và nghệ thuật dân tộc Việt Nam nói chung khác với nghệ thuật phương Tây. Nghệ thuật phương Tây có chuẩn còn nghệ thuật Việt Nam thì không nên buộc người thưởng thức phải có sự hiểu biết nhất định. Ví dụ, cũng là một làn điệu quan họ nhưng các vùng có thể hát rất khác nhau. Nếu không biết, lớp trẻ sẽ cho rằng nơi này hát đúng, nơi kia hát sai trong khi tất cả đều không sai…

Chúng ta đã đầu tư khá nhiều tiền của cho các dự án văn hóa vật thể nhưng lại chưa có chương trình tầm cỡ quốc gia, dài hơi để phổ biến nghệ thuật dân tộc trong hệ thống trường học. Khi lớp trẻ không hiểu thì dẫn đến không thích, không yêu, trong khi họ có quá nhiều thứ để chọn. Đã quá muộn nhưng muộn vẫn phải làm, còn hơn không làm gì mà chỉ đứng nhìn giới trẻ xa dần bản sắc văn hóa dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Muộn vẫn phải làm!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.