Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có phải do thói đố kỵ?

Dục Tú| 13/02/2014 06:17

(HNM) - Đến giờ này thì cái tên Nguyễn Hà Đông đã trở nên rất nổi tiếng, sau khi lập trình viên chưa đầy ba mươi tuổi này quyết định gỡ trò chơi Flappy Bird (Chim vỗ cánh) mà mình là tác giả ra khỏi kho ứng dụng có tính toàn cầu.

Hành động nói trên phần nào là một quyết định gây sốc, với cả những người đang mê tít trò chơi được cho là "đơn giản mà phức tạp", "dễ chơi mà khó thắng" và với cả những ai "ném đá" tác giả trong khoảng một tháng qua. Những chuyên gia kinh tế tiếc cho Nguyễn Hà Đông bởi việc tác giả tự "bẻ cánh chú chim" của mình đồng nghĩa với việc từ bỏ một khoản lợi nhuận được đánh giá là kếch xù. Những thông tin không chính thức được đăng nhan nhản trên mạng mà theo đó, dường như tác giả của Flappy Bird đã thu về mỗi ngày khoảng 1 tỷ đồng. Sự tiếc nuối của nhiều chuyên gia công nghệ thông tin thì khác, họ cho rằng việc tước bỏ "quyền được sống" của "chú chim bé bỏng" là một bước lùi của làng công nghệ Việt Nam. Flappy Bird, một game thuần Việt đã vang danh thế giới, gây nên cơn sốt không chỉ trong giới "game thủ" toàn cầu, được nhiều hãng tin hàng đầu thế giới giới thiệu mà phần nhiều thiên về ca tụng. Mất Flappy Bird, bao giờ công nghệ Việt Nam mới lại được nhắc đến với một hiệu ứng đáng nể như vậy?

Một cách chính thức, giờ thì đa số người quan tâm đã biết nguyên nhân của việc dỡ bỏ sự hiện diện của Flappy Bird trong các kho ứng dụng. Nhưng, liệu có phải "bước lùi" xuất hiện chỉ là bởi tác giả của nó không chịu nổi áp lực có từ sự quan tâm thái quá, và phần nào đó là thái độ thiếu thiện chí của một bộ phận người Việt trước thành công lớn đến quá nhanh với Nguyễn Hà Đông - chỉ chưa đầy một năm kể từ ngày anh ra mắt sản phẩm của mình?

Có lẽ, đó là một lý do chính đáng, bất luận là sau quyết định của Nguyễn Hà Đông, người ta đã thêu dệt đủ điều. Rằng, việc gỡ bỏ Flappy Bird là một chiêu PR không hơn, Nguyễn Hà Đông sẽ hoàn thiện trò chơi của mình, tránh cho nó những rắc rối về mặt pháp lý trước khi cho "chú chim" của mình tái xuất hiện. Rằng, chẳng ai dại gì từ bỏ mối lợi khổng lồ sau khi trên các phương tiện truyền thông rộ thông tin rằng một trong số đầu mối được cho là bị Nguyễn Hà Đông "luộc" ý tưởng đã tuyên bố rằng họ không có ý định kiện anh…

Sau tất cả những gì diễn ra trong ít ngày qua, cả lời lẽ từ phía đả kích Nguyễn Hà Đông dữ dội, chủ yếu là "định tội" gian dối cho anh, và cả thái độ cổ vũ động viên xen lẫn tiếc nuối từ phía đánh giá cao khả năng và kết quả lao động sáng tạo của tác giả Flappy Bird, điều đọng lại sau sự việc đáng mừng và cũng đáng buồn này là gì?

Nguyễn Hà Đông nói rằng, anh sáng tạo Flappy Bird chỉ sau vài đêm suy nghĩ. Nếu đó là sự thực thì "chú chim" của Hà Đông hoàn toàn khác với nhiều game đình đám, những trò chơi cần có sự tham gia của hàng chục, thậm chí là hàng trăm lập trình viên và đằng sau họ là sự hỗ trợ hoàn hảo từ phía các tổ chức công nghệ. Thành công từ Flappy Bird chỉ ra rằng người Việt cũng có thể phát triển ứng dụng game hướng ra thị trường thế giới và có thể thành công ngay cả khi điều kiện phục vụ cho việc thực hiện ý tưởng còn nhiều hạn chế. Không nghi ngờ gì nữa, nếu gạt sang một bên sự "non nớt" về khía cạnh pháp lý và sự "đơn độc" đến mức đáng ngạc nhiên của người lập trình viên còn trẻ, trò chơi mà Nguyễn Hà Đông sáng tạo ra đáng được coi là bước đột phá, cần được ủng hộ thay vì "ném đá" dữ dội ngay cả khi chưa hiểu rõ sự việc và cái kết cuối cùng vẫn còn ở phía trước.

Đã có ý kiến rằng, Nguyễn Hà Đông bị "đánh" là bởi thành công đến với anh quá nhanh, mối lợi quá lớn dù sản phẩm là một game đơn giản - cả với người chơi và cái cách mà Hà Đông tạo ra nó, nhiều người đã không chịu nổi điều đó. Đó là ý kiến đáng được lưu ý bởi hiện nay, người ta đã nói về tâm lý đám đông và hiệu ứng truyền thông, với những hệ lụy mà nhiều khi ngay cả người tạo ra, khởi xướng hay tham gia vào sự kiện cũng không hình dung nổi mức độ thiệt hại mà xã hội hay cá nhân phải gánh chịu.

Đánh giá, phán xét một vấn đề mang tính xã hội rộng lớn như Flappy Bird thì cần thận trọng, không nên để thói đố kỵ cuốn mình đi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có phải do thói đố kỵ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.