Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chống dịch phải như chống giặc

Vương Tuấn Anh| 18/04/2014 05:49

(HNM) - Kể từ khi dịch sởi bùng phát (cuối tháng 12-2013) đến nay, cả nước ghi nhận trên 7.000 ca mắc bệnh, trong đó có 111 trường hợp tử vong.



Việc có tới 103 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện (BV) Nhi trung ương trong quãng thời gian ngắn ấy cho thấy đây là vấn đề không bình thường. Các ca mắc bệnh tại các tỉnh, cơ sở y tế tuyến dưới dồn ứ lên trên khiến BV này luôn trong tình trạng quá tải.

Ngày 16-4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lần đầu tiên "thị sát" tình trạng bệnh nhi sởi điều trị tại BV Nhi trung ương. Mặc dù người đứng đầu ngành y tế khẳng định: Bộ Y tế hoàn toàn không giấu thông tin về dịch sởi, thế nhưng những động thái này chưa làm nguôi nỗi đau của những người có con, cháu tử vong do sởi và dư luận xã hội. Những bức xúc của người dân là hoàn toàn có lý bởi bệnh nhân phải nằm chung giường, không đủ các điều kiện cách ly cần thiết, khiến nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao. Thậm chí có người còn cho rằng: Bộ Y tế vẫn chưa thực sự vào cuộc, khả năng quyết đoán trong công tác quản lý không cao và đã "né" dịch (?). Chưa nói đến việc công bố dịch đã cần thiết hay chưa, nhưng nhiều vấn đề mà ngành y tế cũng như các cơ quan chức năng chưa kịp thời giải quyết thấu đáo khi có dịch bệnh lây lan khiến dư luận rất bức xúc.

Thứ nhất, đó là công tác tuyên truyền phòng chống dịch còn nhiều hạn chế. Khảo sát tại địa bàn Hà Nội, nơi có trình độ dân trí cao trong cả nước, những thông tin về cách phòng chống bệnh sởi, các biểu hiện lâm sàng khi trẻ mắc bệnh, cơ chế chống lây nhiễm chéo... chưa được nhiều người quan tâm. Nhiều người không biết xử trí ra sao khi thấy con có biểu hiện sốt cao, có những nốt đỏ phát ban... nên đã đưa đến nơi họ tin tưởng nhất hiện nay là BV Nhi trung ương.

Thứ hai là tình trạng quá tải tại BV Nhi trung ương diễn ra đã lâu nhưng vẫn chưa được khắc phục. Vấn đề ở đây là cơ chế phối hợp giữa các BV còn bất cập, nói cách khác, thiếu một "nhạc trưởng" đứng ra chịu trách nhiệm xử lý việc này. Nếu như cơ quan quản lý kêu gọi và có cơ chế phối hợp với các BV khác (kể cả BV tư nhân) cùng chung tay trong việc chữa trị, chống lây nhiễm chéo, chưa chắc con số bệnh nhân mắc dịch, cũng như tử vong cao đến như vậy.

Thứ ba là công tác phòng dịch, đặc biệt là y tế dự phòng ở cơ sở vẫn chưa thực sự được coi trọng. Chưa kể, nhiều gia đình muốn đưa con cháu mình đi tiêm (kể cả tiêm dịch vụ) nhưng vì những bất tiện do nơi tổ chức tiêm phòng bệnh quá đông, có khi đến nơi lại phải về vì hết số xếp hàng, hết thuốc... nên nhiều người cũng đã bỏ qua việc trọng yếu này.

Có thể nói, dù dịch chưa được công bố nhưng nếu không quyết liệt có thể sẽ phải trả giá bằng tính mạng của nhiều người. Vì thế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có Công điện yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo cấp cứu, điều trị các trường hợp mắc bệnh sởi tại các cơ sở y tế nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong và ngăn chặn lây chéo trong bệnh viện; đặc biệt là các cơ sở y tế tuyến trung ương bị quá tải, khẩn trương dập tắt dịch sởi; đồng thời các tỉnh, thành phố quyết liệt khoanh vùng ổ dịch và xử lý triệt để không để dịch lan rộng...

Chống dịch phải như chống giặc có nghĩa là phải loại trừ nguy cơ phát dịch từ ngay trong ý thức đối với dịch bệnh của mỗi người dân. Và đặc biệt trách nhiệm của các cơ quan chức năng không được chủ quan, lơ là hoặc đưa thông tin thái quá khiến người dân hoang mang. Đó là những việc làm cấp thiết nhất cần phải giải quyết ngay trong thời điểm hiện nay nhằm chặn đứng bệnh sởi trên quy mô toàn quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống dịch phải như chống giặc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.