Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguyên nhân của những nguyên nhân

Dục Tú| 21/04/2014 05:56

(HNM) - Mấy năm gần đây, ngành y tế lao đao vì dịch bệnh và tai biến y khoa. Chỉ trong 4-5 năm mà có bao nhiêu chuyện gây bức bối, trước nhất và quan trọng nhất là bởi những cái chết thương tâm do tai biến tiêm chủng, bệnh tay chân miệng, tai biến sản khoa. Bây giờ là câu chuyện về sởi, nỗi kinh hoàng thật sự đối với cả người lớn và trẻ em, bất kể là người ở địa phương nào, giàu có hay còn khó khăn.

Một số người có xu hướng tìm nguyên nhân của từng việc một. Như hiện nay, khi bệnh sởi bùng phát mạnh và lan rộng trên phạm vi cả nước, người ta tập trung vào nguyên nhân gây lây nhiễm chéo mà nguồn cơn được xác định là do nạn quá tải bệnh viện diễn ra phổ biến, ngày một trầm trọng. Việc chống dịch không thu được hiệu quả cần thiết, tức là để xảy ra quá nhiều ca tử vong do sởi và liên quan đến sởi dù tín hiệu bất thường về bệnh khởi phát từ cuối năm ngoái, lúc đầu chỉ khoanh trong vài tỉnh. Khi phân tích, bàn và đặt vấn đề rằng ngành y tế phản ứng nhanh hay chậm trong việc chống dịch bệnh sởi, lãnh đạo ngành nói có hiện tượng "trên nóng, dưới lạnh", ý muốn nói đến tình trạng địa phương chưa rốt ráo triển khai kế hoạch phòng chống dịch mà ngành đã đề ra, hoặc triển khai thiếu hiệu quả…

Trước nay có câu nói đúng là "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Với bệnh sởi hiện nay, dịch lan rộng là do việc "chống" không thu được hiệu quả mong đợi, nhưng cũng là do việc phòng dịch sởi không được thực hiện chu đáo. Đó là nguyên nhân cụ thể của một việc cụ thể, nếu nhìn lại, nhìn rộng ra thì nguyên nhân quan trọng, có ý nghĩa bao trùm nằm ở chất lượng công tác y tế dự phòng nói chung - bao gồm cả công tác chuyên môn, công tác tuyên truyền và trách nhiệm của cộng đồng. Nói vậy là bởi trong những ngày này, truyền thông, khi dẫn lời của cán bộ và lãnh đạo ngành y tế đã đưa thông tin về tỷ lệ tiêm phòng vắc xin sởi ở các địa phương, cho rằng tỷ lệ đó dù cao nhưng chưa đạt yêu cầu thực tế. Về vấn đề này, nếu đi tìm nguyên nhân, người ta dễ dàng đi đến một kết luận về cái gọi là "nguyên nhân của những nguyên nhân" thay vì nguyên nhân cụ thể của một sự vụ cụ thể. Nhiều trẻ không được cho đi tiêm phòng là bởi có nhiều người sợ việc tiêm phòng. Nhiều người sợ tiêm phòng là do có nhiều trẻ gặp tai biến sau tiêm. Nhiều trẻ gặp tai biến hơn so với tỷ lệ sốc phản vệ ở mức chấp nhận được, là do vắc xin không được bảo quản - sử dụng đúng quy cách, quy trình tiêm phòng chưa được thực hiện nghiêm ngặt ở một số nơi. Và, đến lượt nó, hiệu quả sử dụng vắc xin không bảo đảm lại có nguyên nhân từ ý thức trách nhiệm của nhân viên y tế và chất lượng công tác quản lý ngành theo phân cấp... Đến giờ này, có thể nhận rõ mức độ tai hại của những vụ việc liên quan đến việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ lớn đến nhường nào.

Dịch sởi năm nay cho ngành y tế và người dân Việt Nam một bài học đắt giá. Ngoài công tác phòng chống dịch bệnh cũng như hiệu quả đầu tư cho công tác này, trong lĩnh vực truyền thông cũng có những điều cần rút kinh nghiệm. Điều quan trọng mà truyền thông cần hướng tới là hiệu quả tuyên truyền, đích đến duy nhất là nâng cao ý thức chủ động tham gia phòng chống dịch bệnh của cộng đồng bằng những hành động thiết thực, như là tự giác đưa con đi tiêm phòng thay vì làm cho họ sợ. Với ngành y tế, việc tìm và thực hiện giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác y tế dự phòng là rất quan trọng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nguyên nhân của những nguyên nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.