Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới thi cử gắn với đổi mới phương pháp dạy và học

Dục Tú| 11/07/2014 05:50

(HNM) - Hôm qua, sĩ tử cả nước dự ngày thi thứ hai trong đợt thi thứ hai của kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2014. Xét về số lượng hồ sơ "ảo", số vi phạm và hình thức vi phạm cũng như cách xử lý ở các hội đồng thi, rộng ra là công tác tổ chức thi, ra đề thi, tất cả cho thấy sự hơn nhất định so với những kỳ thi trước đây. Những giải pháp bước đầu nhằm thực hiện chủ trương lớn về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo" đã cho ra kết quả bước đầu.

Theo quan điểm hiện đại, tổ chức thi - tuyển sinh là để đánh giá quá trình học tập của học sinh, phần nào đó là phân loại trình độ phù hợp với các khối ngành đào tạo ở bậc cao hơn, thay vì tạo giới hạn về số người được quyền vào đại học hay đánh đố giấc mơ vào giảng đường của người trẻ. Điều đó liên quan mật thiết đến cách thức tổ chức thi, cách ra đề thi. Và cũng liên quan đến việc định hướng nghề nghiệp cho giới trẻ trong môi trường học phổ thông, như người ta thường nói là "phân luồng" khi bàn về thực tế xã hội đang trong cảnh "thừa thầy, thiếu thợ" và rất nhiều cử nhân thất nghiệp hoặc không làm đúng việc mà mình đã được đào tạo.

Năm nay, trải qua hai đợt thi đại học, cách ra đề thi cho thấy sự sáng tạo, dụng ý tốt là tạo cơ hội cho thí sinh vận dụng kiến thức tiếp nhận trong nhà trường để ứng dụng vào giải quyết các vấn đề nảy sinh trong đời sống. Đề thi các môn ngữ văn, lịch sử, địa lý… mở ra cơ hội cho thí sinh có khả năng tư duy, chịu khó tư duy thay vì chỉ cần học thuộc. Những người trẻ không thờ ơ với thông tin về Biển Đông trong những ngày vừa qua, có ý thức dõi theo những con tàu cá nhỏ bé vượt trùng khơi ra ngư trường Hoàng Sa sẽ tìm được cách trả lời đúng câu hỏi vì sao việc ngư dân bám biển có ý nghĩa quan trọng đối với nhiệm vụ giữ vững chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ; bằng không, họ chắc chắn sẽ gặp rắc rối. Sự tốt từ cách ra đề còn rõ ở chỗ khuyến khích lề lối học thật, dạy thật, tạo tiền đề cho một cách dạy và học chuyển hướng vững chắc từ tiếp thu thụ động sang tư duy sáng tạo để nắm vững bản chất vấn đề, tạo nền kiến thức vững vàng. Xã hội hiện đại cần những con người như thế.

Thật là tốt nếu như ai cũng được tạo đủ điều kiện để tiếp tục học tiếp lên cao, nuôi dưỡng ước mơ có được một công việc ưng ý sau khi tốt nghiệp đại học. Nhưng sẽ là không tốt nếu như ai cũng nhất nhất một con đường vào đại học, bất kể trình độ của bản thân và điều kiện riêng không cho phép theo con đường đó. Xã hội cần tạo đủ điều kiện hỗ trợ cho giới trẻ vận dụng đúng quyền được học tập, quyền được chọn nghề, định hướng đúng cho tương lai của mình. Có thể hỗ trợ họ bằng nhiều cách, từ việc tạo cơ chế, chính sách nhằm loại bỏ bệnh hình thức, thói hư danh, chạy theo bằng cấp đến thực hiện công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục; tăng cường chất lượng và mở rộng hình thức công tác hướng nghiệp, tổ chức đào tạo gắn với nhu cầu nhân lực của xã hội và địa phương; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ chương trình, nội dung đào tạo nhân lực có tay nghề cao…

Hoàn thiện nội dung, phương pháp tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập là một phần của đổi mới giáo dục - đào tạo, liên quan mật thiết đến quá trình thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Sự đổi mới trong công tác tổ chức kỳ thi đại học năm 2014 cần được duy trì, nâng cao, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa kiến thức học tập trong nhà trường và kiến thức thực tế, theo một lộ trình gắn với việc thực hiện cải cách tận gốc phương pháp dạy và học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới thi cử gắn với đổi mới phương pháp dạy và học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.