Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng… không đáng ngại, giảm... đừng vội mừng

Hoàng Thu Vân| 22/07/2014 05:50

(HNM) - Tháng 7-2014, chỉ số tiêu dùng (CPI) trên địa bàn Hà Nội tăng 0,18% so với tháng 6 và tăng 6,39% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, từ đầu năm tới nay chỉ số CPI đã tăng 1,34%.


Về nguyên tắc lý thuyết, chỉ số này sẽ giúp chúng ta hình dung bức tranh tổng thể về sự biến động của chi phí sinh hoạt và các chuyên gia có thể nhận định được thực tế tình hình với hai hình thái là lạm phát hoặc giảm phát. Cần chú ý, ở trường hợp nào cũng cần những khung giới hạn nhất định.

Trở lại với chỉ số CPI cụ thể của Hà Nội và cả nước từ đầu năm 2014 tới nay. Theo tính toán của cơ quan chức năng, chỉ số CPI bình quân trong 6 tháng đầu năm 2014 của Việt Nam tăng 4,77% và là mức tăng thấp nhất trong 13 năm qua. Như đánh giá của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), sở dĩ CPI tăng thấp trong 6 tháng qua là do tổng cầu giảm, đầu tư của doanh nghiệp thấp, sức mua yếu và chi tiêu của Chính phủ thắt chặt. Nhìn nhận ở khía cạnh khác, nguyên nhân của CPI tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2014 tăng thấp là do các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện giải pháp trong các Nghị quyết số 01 và 02/2014/NQ-CP, qua đó kinh tế vĩ mô đã đạt được những kết quả tích cực đúng hướng.

Với Hà Nội, chỉ số CPI tháng 7 tăng 0,18% so với tháng 6 và có tới 10/11 nhóm hàng chủ yếu tăng giá gồm đồ uống, thuốc lá, nhà ở, vật liệu xây dựng, điện, nước và chất đốt... Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng không đáng kể; riêng nhóm bưu chính viễn thông giá không đổi so với tháng trước. Căn cứ vào thực tế, diễn biến thị trường như vậy là hợp lý khi thời tiết mùa hè khiến một số nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh, đồng thời hai lần tăng giá xăng liên tiếp cũng khiến một số mặt hàng "đội" giá...

Đi ngược thời gian, nếu như vài năm trước đây, ai cũng mong mặt bằng giá cả được kéo xuống. Tuy nhiên, khi chỉ số CPI giảm hoặc tăng không đáng kể thì một câu hỏi được đặt ra là liệu điều đó có thực sự tốt cho nền kinh tế? Như phân tích của các chuyên gia, đối với các nhà quản lý, khi CPI tăng thấp thì cần cảnh giác với nguy cơ thiểu phát và cần phải nhanh chóng sử dụng các biện pháp kích cầu. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là cần kích cầu như thế nào? Kích cầu đầu tư hay kích cầu tiêu dùng hoặc kích cầu cả hai phương diện? Kích cầu tiêu dùng trong nước hay kích cầu xuất khẩu? Nếu kích cầu thì chính sách giá đóng vai trò gì, cả chính sách giá nguyên nhiên vật liệu thiết yếu, giá hàng hóa, và dịch vụ tiêu dùng trong nước lẫn giá xuất khẩu và giá nhập khẩu?...

Với Hà Nội, kỳ họp HĐND thành phố diễn ra vừa qua đã thống nhất thông qua chủ trương về việc tăng giá 1.348 dịch vụ kỹ thuật y tế đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc thành phố quản lý. Chắc chắn khi thực hiện chủ trương này sẽ có những tác động nhất định tới chỉ số CPI trên địa bàn. Song mới đây, UBND thành phố đã có quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành để thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trong năm 2014. Nhiệm vụ của Tổ công tác này là theo dõi sát diễn biến của thị trường nhất là các yếu tố ảnh hưởng tới giá cả hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu; giám sát việc sử dụng vốn tạm ứng, tạo nguồn hàng dự trữ và bán hàng của các doanh nghiệp; tham mưu, đề xuất ban hành kịp thời các quyết định, chính sách, biện pháp bình ổn thị trường; tổ chức thực hiện bình ổn giá, ngăn chặn tác động tâm lý và biến động nhằm đẩy giá...

Nói vậy để thấy, mỗi sự việc đều có tính hai mặt và đều cần có sự chủ động tính toán, hoạch định giải pháp, tránh rơi vào tình trạng bị động, bất ngờ. Trong thực tế thực hiện được như vậy là không đơn giản. Do đó, chỉ số CPI của Hà Nội và cả nước, dù tăng hay giảm, mừng cũng có song không phải đã hết nỗi lo. Các nhà hoạch định chính sách và cơ quan chức năng liên quan đến vấn đề này cần phải hiểu điều đó để có những hành động cụ thể.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng… không đáng ngại, giảm... đừng vội mừng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.