Theo dõi Báo Hànộimới trên

”Tội” của rượu, bia

Nữ Quỳnh| 26/07/2014 07:05

(HNM) - Mấy ngày qua, Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia do Bộ Y tế soạn thảo, trong đó có quy định cấm bán rượu, bia sau 22h, đang thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là giới trẻ. Người ủng hộ có, người nghi ngờ về tính khả thi cũng không ít.


Có lẽ chưa bao giờ, "văn hóa" bia bọt, nhậu nhẹt, lại có sức lan tỏa rộng đến như vậy. Chẳng phải "dân đen" mới ham bia, rượu; không ít đại gia, thậm chí cả quan chức nhà nước cũng bị thứ "văn hóa" này lôi kéo. Đôi ba người đã có thể "cao bằng", "bắc cạn", gặp gỡ nhau người ta cũng uống; giờ nghỉ trưa công sở cũng uống; đàm phán, ký cốp hợp đồng cũng phải có tí cay cay; rồi cả quà cáp cũng mượn đến những chai rượu.

Cấm rượu. Có lẽ có đến quá nửa người dân đồng ý. Đó là phụ nữ, là trẻ em, là những nhà quản lý và những đấng nam nhi "vô tửu"… Vì tác hại của lạm dụng rượu, bia đã quá rõ rồi, cũng chẳng cần phải có những giải trình của cơ quan chủ quản soạn thảo văn bản nói trên thì người dân mới hiểu. Có người cho rằng, để rượu, bia tràn lan với đà không kiểm soát như hiện nay là có tội với thế hệ mai sau, rằng đất nước đang nghèo đi bởi "văn hóa nhậu", sức khỏe giống nòi đang yếu đi vì "ma men".

Nói chung, có thể thấy đa số ý kiến sẽ ủng hộ cấm (hạn chế) rượu, bia. Tuy nhiên, việc quyết định ra một "lệnh cấm" không chỉ đơn giản dựa trên những tiêu chí ấy. Đó chính là nguyên cớ để dự thảo nói trên của ngành y tế gây tranh cãi trong dư luận. Đa số người muốn hạn chế rượu, nhưng cũng đa số không tin rằng quy định này sẽ thành công nếu được áp dụng. Nói gì thì nói, phải khẳng định uống rượu, bia là một "nhu cầu tự nhiên" rất cơ bản của con người, nó như một phần của cuộc sống và đã tồn tại từ hàng nghìn năm qua, không chỉ Việt Nam mà ở tất cả các nước. Nếu cơ quan quản lý chỉ đơn giản ra một lệnh cấm thì chắc chắn sẽ vấp phải sự phản ứng, vì nó đi ngược lại nhu cầu thực của người dân, từ sản xuất, kinh doanh đến sử dụng.

Vấn đề đặt ra là cơ quan quản lý cần đưa ra được những lý lẽ, cơ chế thuyết phục. Ví dụ như tại sao không bắt đầu từ việc hạn chế sản xuất, quản lý từ kinh doanh, nhập khẩu. Điều dễ làm hơn rất nhiều việc "cấm uống"? Tại sao lại đưa ra chế định kiểm soát rượu với "phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, người bị bệnh lý". Không phải chẳng cần cấm thì rượu, bia cũng đã ít có cơ hội đến được với những đối tượng này hay sao? Rồi nếu vì mục tiêu giảm tai nạn, tệ nạn thì sao không cấm vào ban ngày mà lại cấm vào lúc đêm vốn là lúc các hoạt động xã hội hầu hết đều ngừng nghỉ? Hay như câu hỏi đơn giản nhất là làm thế nào để có thể giám sát, thực thi được các quy định như vậy còn chưa được làm sáng tỏ thì chắc chắn dù muốn, người dân cũng khó có thể ủng hộ.

Không ai muốn chứng kiến những hậu quả đau lòng từ rượu. Nhưng để quản lý thứ chất "ma mị" này một cách hiệu quả cần đến những chính sách hợp lý, hợp lòng dân. Điểm qua vài nét như trên đã thấy mong muốn của cơ quan quản lý có phần duy ý chí, thiếu thực tiễn và không khả thi. Mà như vậy thì văn bản quy phạm pháp luật có ban hành cũng rất khó đi vào cuộc sống. Lúc ấy, chắc "tội" của rượu, bia sẽ còn lớn hơn nhiều!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
”Tội” của rượu, bia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.