Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiếm tiền, đừng chọn giáo dục!

Tuấn Kiệt| 23/08/2014 05:45

(HNM) - "Kinh doanh giáo dục" không còn là một khái niệm mới ở Việt Nam. Hơn 20 năm trước khi cơ sở giáo dục dân lập đầu tiên ra đời vào năm 1988 các trường học tư đều đặn mọc ra như nấm sau mưa, từ mẫu giáo đến đại học.

Lý do khiến giáo dục được các nhà đầu tư bỏ vốn vào là vì "kinh doanh được". Với nhiều quốc gia, giáo dục được khẳng định là "quốc sách hàng đầu" nên mức đầu tư khá cao, nhưng có một thực tế là không ít ông bố, bà mẹ đã phải "đong đếm rất nhiều" khi mở hầu bao cho con cái đi học.

Nhưng khi giáo dục trở thành mảng miếng kinh doanh béo bở thì những hệ lụy của nó ngày càng nhiều. Mầm non thì vượt tầm kiểm soát; phổ thông thì lạm thu, lạm dạy (thêm); và chưa bao giờ ở ta lại có nhiều trường cao đẳng, đại học như bây giờ, các trường đua nhau xin "thăng hạng", trung cấp xin lên cao đẳng, cao đẳng xin lên đại học, rồi liên doanh, liên kết, liên thông… Đến nay, cả nước đang có hàng nghìn trường trung cấp, cao đẳng và đại học, hàng trăm công ty tư vấn giáo dục, du học… (cả trong nước và nước ngoài). Tất tật đều nhắm vào túi tiền của cha mẹ học sinh.

Trên thực tế, khi quá nhiều trường được thành lập thì nhiều trường đã làm mọi cách để có học sinh, chương trình học tập bị xem nhẹ, nhiều "sản phẩm giáo dục" kém chất lượng được ra lò. Và những nhà đầu tư cho giáo dục (phụ huynh học sinh) hay nhà nước lại chẳng thể trả lại cho cơ sở đào tạo những sản phẩm ấy. Nhiều sinh viên tốt nghiệp rồi lại phải theo học thêm các trường khác, có tới 2-3 bằng trong tay mới tìm được việc làm. Xã hội thì phải chịu thêm gánh nặng với hàng trăm nghìn sinh viên ra trường thất nghiệp.

Giáo dục đã được xem là một lĩnh vực kinh doanh vì đó cũng là sự phù hợp với quy luật phát triển và nhu cầu xã hội. Mấu chốt là phải đánh giá được những đặc thù nào, điều kiện nào cho "thị trường giáo dục". Kinh doanh mà không thể không xem trọng lợi nhuận. Song kinh doanh giáo dục cần phải là ngành kinh doanh "có điều kiện" mà ở đó khuyến khích sự đầu tư phi lợi nhuận, hoặc ít nhất cũng không xem lợi nhuận là mục đích tối thượng. Nhà trường có thể kinh doanh, nhưng không theo kiểu "bán chữ". Đây là điều mà nhiều trường đại học danh tiếng thế giới đã làm được. Điển hình như tại Đại học Harvard, học phí không phải là thu nhập chính của nhà trường, mà họ còn bỏ tiền ra để cấp học bổng thu hút sinh viên từ khắp nơi trên thế giới, và tất nhiên họ cũng bỏ tiền để thu hút những giảng viên giỏi nhất. Harvard đã kiếm tiền từ chính danh tiếng đạt được khi có nhiều hội thảo, nhiều sự kiện muốn có sự hiện diện của các giảng viên Harvard, khi nhiều quỹ muốn quyên tiền, đầu tư cho các công trình nghiên cứu của Harvard…

Trở lại với Việt Nam, từ ngàn đời nay, truyền thống hiếu học đã được khẳng định. Chúng ta nói "giáo dục là quốc sách hàng đầu", là "tất cả vì tương lai con em chúng ta". Thế nhưng giáo dục đang chuyển từ "công ích", "phi lợi nhuận" sang một "ngành kinh doanh" để rồi những khái niệm như "tham nhũng vặt", "học giả", "bằng giả", "chạy trường", "chạy lớp" có cơ hội len vào môi trường giáo dục vốn rất thanh cao.

Giáo dục là lĩnh vực có thể mang lại lợi nhuận, nhưng phải coi là một ngành kinh doanh chân chính, vì "sản phẩm" là con người nên chất lượng phải được xem trọng, nếu nghiêng hẳn về mục tiêu lợi nhuận thì hậu quả mang lại cho xã hội, cho tương lai đất nước thật không thể đong đếm. Người làm giáo dục phải có tư duy vì sự nghiệp trồng người. Chỉ những người có khát khao đóng góp cho sự nghiệp khai trí hãy tham gia. Nếu muốn kiếm tiền, muốn đầu tư để thu nhiều lợi nhuận xin đừng chọn giáo dục!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiếm tiền, đừng chọn giáo dục!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.