Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhân rộng sự hài lòng

Thủy Tiên| 24/08/2014 06:31

(HNM) - Bộ Nội vụ và Ngân hàng Thế giới (WB) vừa phối hợp công bố kết quả khảo sát thử nghiệm mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ hành chính công tại 3 tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Định. Theo đó, có tới 80% người được điều tra cho rằng họ


Dư luận nghi ngờ là điều dễ hiểu, bởi lâu nay thủ tục hành chính của chúng ta vốn nhiêu khê, rắm rối, trình tự thực hiện các bước mất rất nhiều thời gian dẫn đến tình trạng người dân phàn nàn, bức xúc, và đó là lý do xuất hiện cụm từ "hành là chính". Đơn cử như quy định người lao động có thu nhập cao hơn mức phải đóng thuế thu nhập cá nhân đang phải nuôi ông bà, cha mẹ không có lương hưu hay con cái chưa trưởng thành thì phải có giấy xác nhận của chính quyền địa phương. Nhiều xã, phường linh động xác nhận ngay, nhưng cũng có không ít xã, phường đưa ra lý do "chưa có văn bản hướng dẫn về vấn đề này" nên chỉ xác nhận…" có hộ khẩu thường trú". Lại có địa phương yêu cầu phải có thêm chứng nhận của các thành viên khác trong gia đình (anh, chị, em…) có thu nhập nhưng không kê khai thì mới chứng thực. Xét cho cùng chính quyền địa phương làm như vậy không sai nhưng qua việc đó cho thấy thiếu sự thống nhất. Tuy nhiên đó mới chỉ là những "chuyện nhỏ", việc xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay xin giấy phép xây dựng mới lắm nhiêu khê, phiền toái bởi người dân phải làm rất nhiều thứ giấy tờ mà cái nào cũng phải có xác nhận đóng dấu đỏ chót.

Nộp xong lại phấp phỏng chờ đợi không biết có phát sinh gì nữa không. Vì thế nhiều nhà cứ "tiền trảm hậu tấu", xây rồi chấp nhận phạt hành chính. Cũng có người chấp nhận mất tiền cho "cò" hoặc nhờ vả người này người kia. Ngoài lĩnh vực nhà - đất, cuộc sống còn biết bao việc phải cần xin dấu và chữ ký. Người dân vừa "mệt" vì thủ tục phức tạp, vừa "mỏi" vì thái độ thiếu trách nhiệm, thậm chí cửa quyền của một bộ phận không nhỏ cán bộ thực thi công vụ. Vì cần nên người dân đành bấm bụng chịu đựng, chẳng dám kêu ca. Ai muốn được việc thì phải có tí "bôi trơn" bằng quà cáp hoặc hơn thế nữa. Thế là sinh ra tham nhũng vặt, lâu dần cái điều tưởng như không bình thường này lại trở thành rất bình thường. Dù chưa có thống kê thiệt hại về thời gian và vật chất của người dân cũng như xã hội nhưng thiệt hại về niềm tin là rất rõ.

Mặc dù vậy, cũng không thể phủ nhận trong mấy năm gần đây lĩnh vực cải cách hành chính đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đơn cử như thủ tục chuyển chế độ lương hưu từ tỉnh thành này sang tỉnh thành khác ở Bảo hiểm xã hội Hà Nội, hay thủ tục cấp chứng minh thư nhân dân, đổi bằng lái xe… đã không còn phức tạp, kéo dài như trước, thậm chí đã áp dụng những công nghệ, quy trình hiện đại, tiên tiến. Hay như thủ tục làm hộ chiếu cũng khá đơn giản và rất nhanh chóng…

Có thể thấy việc khảo sát của Bộ Nội vụ và Ngân hàng Thế giới mới chỉ là thử nghiệm và thực hiện ở 3 tỉnh chưa phải là địa phương có nhu cầu lớn, phức tạp như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay các thành phố đông dân khác nên kết quả khảo sát chưa hẳn đã phản ánh đúng thái độ của người dân đối với chất lượng dịch vụ hành chính công trong phạm vi cả nước, vì vậy phản ứng hoài nghi về kết quả khảo sát là điều dễ hiểu. Song rõ ràng là trong bối cảnh cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010 đã kết thúc, hiện chúng ta đang thực hiện giai đoạn tiếp theo (kéo dài đến năm 2020) thì việc chấn chỉnh, khắc phục, tiến tới chấm dứt những nhiêu khê, phiền hà, đồng thời nhân rộng những điểm sáng trong cải cách thủ tục hành chính như một số dẫn chứng nêu trên là hết sức cần thiết và phải khẩn trương làm. Có như vậy mới nhân rộng mức độ hài lòng, thực chất là niềm tin, của người dân cả nước đối với lĩnh vực dịch vụ hành chính công nói riêng và đội ngũ cán bộ, công chức cũng như các cơ quan hành chính nhà nước nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân rộng sự hài lòng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.