Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cân bằng quyền lợi và trách nhiệm

Tuấn Kiệt| 30/08/2014 05:57

(HNM) - Hầu hết dự án cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội đều vẫn dậm chân tại chỗ. Những vướng mắc, tranh chấp, bất đồng trở thành chuyện "biết rồi, nói mãi". Có một thực tế là, trong lúc hàng nghìn người dân mong ngóng một sự thay đổi để nâng cao chất lượng cuộc sống, thì ở nhiều nơi (như nhà C8 Giảng Võ, E6 Thành Công), người dân vẫn nhất định không chịu di dời mặc dù phải sống trong chung cư cũ nát, nguy hiểm.

Vì sao như vậy? Người ta vẫn hay nói đến lợi ích, cả của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Bất đồng về lợi ích dẫn đến sự thiếu đồng thuận. Nhưng xét cho cùng, những bất đồng lợi ích đó chưa hẳn đã là nguyên nhân cốt lõi. Ở đây cần nói nhiều hơn chính là trách nhiệm, là lòng tin. Cả chính quyền, người dân và doanh nghiệp đầu tư cần phải thống nhất quan điểm coi việc xây dựng, tái thiết nhà chung cư cũ là việc phải làm, trong đó trách nhiệm lớn nhất thuộc về chính quyền các cấp và người dân. Việc xóa bỏ những khu nhà cũ nát không chỉ là sự bảo đảm an sinh cho người dân mà còn để xây dựng cảnh quan đô thị. Đó là trách nhiệm của Nhà nước. Còn người dân có nghĩa vụ phải tạo thuận lợi nhất để Nhà nước thực thi. Bởi không ai khác mà chính người dân sẽ hưởng lợi từ việc này.

Thực tế hàng loạt dự án cải tạo chung cư cũ như Nguyễn Công Trứ, Văn Chương, Giảng Võ, Thành Công… nhiều năm không triển khai được do chưa nhận được sự đồng thuận từ người dân. Ngoài sự chây ỳ của một số hộ dân vì lợi ích cục bộ thì một nguyên nhân sâu xa chính là sự thiếu lòng tin ở người dân. Mà việc xây dựng lòng tin ấy lại là trách nhiệm của chính quyền và doanh nghiệp.

Việc động viên người dân di dời ra khỏi cơ sở cư trú mất an toàn lâu nay vẫn được coi là nhiều khó khăn do những thói quen, tập quán sinh hoạt không dễ thay đổi. Và việc này sẽ càng khó hơn nếu như các dự án đi trước không củng cố được lòng tin của người dân. Rời nơi ở cũ, người dân đã phải chấp nhận nhiều sự xáo trộn, thậm chí thay đổi hẳn cuộc sống. Đổi lại họ nhận được gì? Thực tế là chất lượng sống ở nhiều khu tái định cư rất thấp, nhà cửa xập xệ khiến nhiều người chán ngán.

Đó là một thực tế. Nhưng cũng có một thực tế khác là nhiều dự án đã sắp xếp được nhà tái định cư nhưng người dân vẫn bất chấp việc tính mạng có thể bị đe dọa để "cố thủ" đến cùng trong khu nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân vì sao? Vì sự thiếu tin tưởng hay vì thiếu trách nhiệm cộng đồng? Vì quyền lợi chưa được đáp ứng hay những đòi hỏi quá giới hạn? Dù thế nào đi nữa cũng không thể đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích cộng đồng và càng không thể trục lợi trên chính sách của Nhà nước.

Hà Nội hiện có hơn 1.160 nhà chung cư cũ cao dưới 6 tầng, phần lớn được xây dựng trước năm 1990 cần được cải tạo. Nhưng nếu nhìn vào tiến độ của những dự án tiên phong thì rất có thể đây sẽ là một "nhiệm vụ bất khả thi". Chính vì thế, việc xây dựng lòng tin, tạo sự đồng thuận phải được coi là trách nhiệm của tất cả các bên liên quan. Nhà nước cần có những chính sách, chế tài mạnh để cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. Người dân có trách nhiệm, tự giác hỗ trợ, tạo điều kiện để các dự án triển khai nhanh. Cần nghĩ về cái chung, đừng vì cái lợi cá nhân mà bất chấp nguy hiểm và đánh mất tinh thần cộng đồng. Các doanh nghiệp cũng cần nâng cao trách nhiệm bảo đảm tiến độ, bảo đảm chất lượng các công trình, dự án. Khi lòng tin được củng cố, chắc chắn sẽ có sự đồng thuận.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cân bằng quyền lợi và trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.