Theo dõi Báo Hànộimới trên

Câu chuyện về niềm hy vọng

Dục Tú| 15/09/2014 05:48

(HNM) - Với những ai yêu bóng đá không toan tính, được có mặt ở Mỹ Đình xem Đội tuyển U19 Việt Nam ra sân thi đấu là niềm hạnh phúc lớn lao. Chúng ta đã có cơ hội tận hưởng một thứ bóng đá đẹp.

Chúng ta được tận hưởng niềm vui có từ vẻ đẹp của bóng đá và niềm tự hào không lẫn vào đâu, chỉ có trong một sân vận động đỏ rực màu cờ Tổ quốc và âm thanh rền vang "Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam!…" được phát ra từ hàng vạn người. Chúng ta đã được chứng kiến những niềm hy vọng của bóng đá Việt Nam thi thố tài năng, trong một giải đấu mà hẳn đã từ lâu mới xuất hiện cảm nhận chung là các tuyển thủ Việt Nam có thể thắng dù đối thủ đến từ một nền bóng đá hàng đầu châu lục, đẳng cấp hơn hẳn nền bóng đá Việt Nam lúc này… Chừng đó lý do cũng đủ cho người yêu bóng đá Việt Nam nối dài niềm vui trong một giải đấu giao hữu quốc tế dành cho các cầu thủ trẻ dù kết quả trong trận đấu cuối cùng không như người hâm mộ chờ đợi. Nhưng, dù sao thì câu chuyện về lứa cầu thủ U19 Việt Nam cũng sẽ phải nhường chỗ cho một câu chuyện khác bởi hôm nay, tại Hàn Quốc, Đội tuyển Bóng đá U23 Việt Nam sẽ bước vào trận đấu đầu tiên trong khuôn khổ ASIAD 17-2014, gặp Iran - đội bóng có trình độ cao hơn chúng ta. Đó có thể là một câu chuyện còn nhiều nỗi lo, có thể ít niềm vui hơn vì nhiều nhẽ.

Nhiều người cho rằng Đội tuyển U19 là hình ảnh đại diện cho tương lai của bóng đá Việt Nam, còn Đội tuyển U23 là hiện tại, là hình ảnh đại diện cho một cơ thể bóng đá chưa thể nói là khỏe khoắn. Khoảng cách giữa hai lứa cầu thủ này không chỉ là tuổi tác, sức vóc, tư duy chiến thuật và kinh nghiệm trận mạc, mà còn có cả sự khác nhất định về quy trình đào tạo, điều kiện học tập cả về chuyên môn, văn hóa, và cả những vấn đề "ngoài bóng đá". Niềm hy vọng đã được chỉ ra, không phải thiếu cơ sở, nhưng có thật là lứa cầu thủ xuất hiện trên sân Mỹ Đình trong hơn một tuần qua là hình ảnh đầy đủ của tương lai bóng đá Việt Nam, hội đủ những gì mà chúng ta kỳ vọng - đặc biệt là về sự hình thành một nền bóng đá mạnh bền vững?

Có lẽ là chưa đủ, chưa đúng. Đội tuyển U19 Việt Nam hiện nay được xây dựng trên bộ khung là các cầu thủ khóa I của Học viện bóng đá Hoàng Anh - Arsenal JMG, bổ sung thêm vài cầu thủ của các trung tâm huấn luyện khác như Viettel, Hà Nội T&T, Sông Lam Nghệ An… Đội tuyển ấy, trong vòng một năm qua, bất kể khi đá ở Indonesia, Brunei hay Việt Nam đều cho thấy một thực tế là đội hình dự bị khá yếu, chỉ cần ai đó trong số Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Đông Triều chấn thương là đội bóng gặp khó ngay. Đó còn là một đội tuyển luôn bị đặt dấu hỏi về năng lực của thủ môn cũng như bộ tứ hậu vệ dù nhà tuyển chọn đã mở rộng cửa vào đội tuyển cho tài năng trẻ trong phạm vi toàn quốc.

U19 Việt Nam là câu chuyện về một đội tuyển, đúng hơn là về một nhóm cầu thủ xuất sắc đang mang lại hy vọng cho người hâm mộ. Câu chuyện hay đó có ý nghĩa mở đường đến tương lai chứ chưa đủ để hình thành nền móng cho một sự chuyển mình vững bền, ngay cả khi người ta "hứa" rằng một số cầu thủ của khóa II, III tại Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG thậm chí còn hay hơn lứa đàn anh hiện tại. "Một cây làm chẳng nên non…". Sẽ là đúng đắn nếu chúng ta đặt ra vấn đề phát huy thành quả mô hình đào tạo trẻ và nhân rộng. Sẽ là đúng mực nếu chúng ta ghi nhận tinh thần cống hiến, cách ứng xử tử tế của các tuyển thủ trẻ và biết cách để ghìm đôi chân của họ sát mặt đất, thúc đẩy họ tự hoàn thiện.

Nói về tương lai của bóng đá Việt Nam, có lẽ chúng ta có thể lấy lứa U19 hiện tại làm xuất phát điểm, thậm chí coi đó như khâu đột phá, nhưng chưa thể chủ quan, coi đó như hình mẫu bóng đá hoàn thiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện về niềm hy vọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.