Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện nhỏ chưa rõ, việc lớn khó thành

Vũ Duy Thông| 24/09/2014 05:44

(HNM) - Lĩnh vực giáo dục - đào tạo, trong đó có sách giáo khoa (SGK) lâu nay luôn là chuyện nóng của dư luận. Có mấy vấn đề cứ trở đi trở lại liên quan đến SGK là chất lượng SGK hiện nay; hằng năm có nên in lại SGK hay không; có thể có bao nhiêu bộ SGK để người dùng lựa chọn; có hay không tình trạng độc quyền trong in SGK và nếu có thì nên xóa độc quyền in SGK không; có nên phổ cập SGK điện tử thay vì chỉ sử dụng SGK in hay không?...

Thời gian gần đây, nhân chuyện thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục - đào tạo, đề án xây dựng bộ SGK mới sau năm 2015 đã được mang ra lấy ý kiến rộng rãi. Mới đây nhất, tại phiên họp toàn thể lần thứ bảy của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tiếp tục bàn thảo về vấn đề này. Đã có rất nhiều ý kiến khác nhau được đưa ra, khó mà bàn hết ngay được, ở đây chỉ xin bàn một vấn đề nho nhỏ là tác quyền của những người có tác phẩm được dùng trong SGK.

Rõ ràng, việc có tác phẩm được dùng trong SGK là một vinh dự cho mọi người cầm bút. Vinh dự đó, nhất là trong điều kiện xã hội Việt Nam hiện nay và vì nhiều lý do khác, đôi khi lấn át phần quyền lợi lẽ ra được hưởng. Cho nên phần lớn tác giả có tác phẩm văn học được đăng trong SGK khi được hỏi về việc có được đơn vị xuất bản trả nhuận bút hay không thì đều cười xòa, coi đó là chuyện nhỏ, có hay không cũng không thành vấn đề, tác phẩm của mình được đăng trong sách là vinh dự lắm rồi.

Thế nhưng, suy xét sâu xa hơn thì hóa ra không phải như vậy. Những tác giả này đã bị ăn chặn, bị bóc lột quyền sở hữu trí tuệ nhân danh một việc làm cao quý. Đơn cử như trường hợp nhà văn Tô Hoài vừa tạ thế - một trong những tác giả văn xuôi chuyên viết cho thiếu nhi, đồng thời là người có nhiều tác phẩm nhất được dùng trong SGK, in đi in lại nhiều lần, mỗi lần hàng chục vạn bản, từ nhiều chục năm nay…, nhưng liệu ông có được trả tác quyền cho những tác phẩm của mình không? Được trả bao nhiêu lần, mỗi lần bao nhiêu tiền? Đó là những câu hỏi không dễ có câu trả lời. Còn các nhà thơ như Trần Đăng Khoa, Nguyễn Duy, Thanh Hào, Đỗ Trung Quân, Đặng Hiển và nhiều người khác thì đã công khai trên báo chí rồi. Họ không được trả nhuận bút hoặc chỉ được trả lấy lệ gọi là có (10.000 đồng cho nhiều bài thơ và chỉ được trả một lần, cách đây gần hai chục năm gì đó), thậm chí chi tiết trong tác phẩm bị in sai cũng lờ đi, không sửa. Để bảo vệ quyền lợi của các nhà văn, nhà thơ, Hội Nhà văn Việt Nam đã thành lập hẳn một trung tâm bảo vệ quyền tác giả; Hiệp hội Bảo vệ tác giả trong sao chép (VietTRO) cũng ra đời, thế nhưng đã hơn 10 năm qua, cả hai tổ chức trên chưa có thành quả hoạt động gì cụ thể. SGK cứ thế được in ra, nếu tính cả sách tham khảo nữa thì vô cùng nhiều, nhưng tác giả của những sáng tác in trong đó vẫn bị "ăn quỵt" tiền tác quyền.

Vì sao có tình trạng đó, các nhà văn không hiểu, vì chẳng có một ai giải thích cho họ hiểu. Cách đây vài năm, một lãnh đạo NXB Giáo dục từng trả lời báo chí về vấn đề trên nhưng phần trả lời của ông này càng khiến dư luận thêm rối mù. Một việc nhỏ trong SGK còn không minh bạch, không đủ thông tin để người dân hiểu thì giải quyết sao được những vấn đề lớn hơn như, tiêu chuẩn để chọn tác phẩm vào SGK, thời hạn tác phẩm có mặt trong SGK…

Từ câu chuyện nhỏ liên quan đến SGK, có thể suy ra nhiều vấn đề trong thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục lần này. Rõ ràng có rất nhiều việc cần phải làm nhưng trước hết và chung nhất đó là phải công khai, minh bạch và chí công vô tư trong tất cả mọi lĩnh vực liên quan đến sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo nói chung và đổi mới chương trình, SGK nói riêng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện nhỏ chưa rõ, việc lớn khó thành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.