Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một góc nhìn

Hoàng Thu Vân| 30/09/2014 05:56

(HNM) - Sáng 29-9, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội trong khuôn khổ phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.



Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường luôn là vấn đề nóng, trực tiếp liên quan đến đời sống xã hội cũng như hoạt động kinh doanh sản xuất của nhiều đơn vị, doanh nghiệp, do vậy hàng loạt câu hỏi được đặt ra cho vị "tư lệnh" ngành này là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, bên cạnh một số nội dung đã được Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đưa ra cũng như cách thức xử lý của ngành chủ quản trong thời gian tới thì có những vấn đề ở tầm vĩ mô mà để giải quyết tận gốc thì trách nhiệm không chỉ thuộc về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cụ thể, trung bình những năm gần đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được khoảng 4.000 lượt đơn khiếu nại, tố cáo; trong đó 98% đơn thư thuộc lĩnh vực đất đai. Tiếp tục phân tích, khoảng hơn 60% đơn thư công dân đã gửi nhiều lần, ở nhiều nơi; 80% đơn khiếu nại vượt cấp. Đặc biệt, chỉ khoảng 2% vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Bộ. Điều đó cho thấy, cách giải quyết của các ngành, các cấp chính quyền phần nào là chưa thỏa đáng nên chưa được người dân và doanh nghiệp "tâm phục, khẩu phục". Mặt khác, vấn đề này còn cho thấy nhận thức của người dân về chính sách, pháp luật, về khiếu nại, tố cáo nhìn chung còn nhiều hạn chế; một số trường hợp người dân, doanh nghiệp mặc dù hiểu rõ các quy định của pháp luật, song vẫn cố tình không chấp hành; một số khác bị kích động hoặc lợi dụng việc khiếu kiện để kích động khiếu nại đông người, gây sức ép đối với cơ quan nhà nước, trong khi đó việc xử lý lại không nghiêm. Tựu trung lại, với những con số nêu trên cùng việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp, không đúng "địa chỉ", có phần trách nhiệm không nhỏ của chính quyền các cấp. Ví dụ như công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại nhiều nơi còn bất cập, đặc biệt là trong việc định giá đất bồi thường, giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi... Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về giải quyết khiếu nại, tố cáo của một số địa phương còn thiếu quyết liệt, thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc chưa quan tâm đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp dẫn đến bức xúc tồn đọng, không được giải tỏa, khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Thậm chí, trong một số vụ việc cụ thể, cán bộ cơ sở giải quyết thiếu khách quan, chính xác, kịp thời, ấy là chưa nói tới những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực...

Ở một khía cạnh khác, vấn đề nêu trên còn cho thấy, chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai của chúng ta qua các thời kỳ có nhiều thay đổi và có không ít bất cập trực tiếp ảnh hưởng tới lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số văn bản, hướng dẫn được ban hành trong một thời gian ngắn, gây lúng túng cho cơ sở trong tổ chức thực hiện. Chính Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã thừa nhận, vào thời điểm này Bộ Tài nguyên và Môi trường còn "nợ" hai nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và khung giá. Hay như việc ký quỹ thực hiện dự án có liên quan đến pháp luật về đầu tư, nên theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang là phải đợi Luật Đầu tư sửa đổi được thông qua để thống nhất quy định về ký quỹ. Tóm lại là hệ thống chính sách, pháp luật của chúng ta về lĩnh vực này là chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống...

Trên đây là những vấn đề mang tính vĩ mô mà rõ ràng để giải quyết thì không chỉ thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đặc biệt, để giải quyết những vấn đề nêu trên còn có cả trách nhiệm hết sức quan trọng và nặng nề của các đại biểu dân cử trong công tác xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một góc nhìn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.