Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm thông tin và xử lý thông tin

Hà Anh| 01/10/2014 05:52

(HNM) - Trong phát biểu kết luận Hội nghị lần thứ mười tám BCH Đảng bộ TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đề cập đến thông tin một đại biểu Quốc hội đã nêu tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trước đó một ngày (29-9) về việc người dân phường Mễ Trì Thượng, quận Nam Từ Liêm có đơn tố cáo "phải bôi trơn 8 triệu đồng/hộ để được cấp sổ đỏ".

Bí thư Thành ủy cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng của thành phố phải tiếp xúc ngay với đại biểu Quốc hội này để nắm thông tin vụ việc; đồng thời khẩn trương làm rõ tình trạng "bôi trơn" làm sổ đỏ, nếu phát hiện sai phạm thì phải xử lý nghiêm...

Mặc dù chưa thể bàn tới kết quả công việc mà các cơ quan chức năng triển khai theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, nhưng sự việc trên rõ ràng đã cho thấy sự nghiêm túc tiếp thu ý kiến với thái độ cầu thị và tinh thần trách nhiệm, sâu sát công việc của lãnh đạo thành phố. Đáng lưu ý là thời điểm Bí thư Thành ủy chỉ đạo các cơ quan chức năng "vào cuộc" chỉ một ngày sau khi phát sinh thông tin. Điều đó thể hiện rõ phản ứng nhanh nhạy, sự khẩn trương trong chỉ đạo, lãnh đạo, đặc biệt là thái độ quyết liệt của lãnh đạo thành phố đối với những tiêu cực, sai phạm.

Cũng phải khẳng định rằng, việc Bí thư Thành ủy yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc ngay, xử lý nghiêm (nếu có vi phạm) không chỉ vì đó là thông tin phản ánh từ một đại biểu Quốc hội, mà tinh thần nghiêm túc, sâu sát, trách nhiệm ấy vốn đã được thể hiện rõ qua công tác chỉ đạo giải quyết nhiều vướng mắc, bất cập trong đời sống xã hội trước đó và đã mang lại những hiệu quả tích cực. Dư luận vẫn còn nhớ cách đây chưa lâu, nhiều người dân sống bên bờ mương Tân Lập (phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng) đã viết thư cảm ơn Bí thư Thành ủy đã quan tâm, chỉ đạo kịp thời để công trình thi công tuyến mương thoát nước trên địa bàn được hoàn thành; chấm dứt tình trạng úng ngập kéo dài, cải thiện vệ sinh môi trường cũng như tình hình an ninh trật tự trong khu vực; đặc biệt là việc đi lại của người dân được thuận lợi, an toàn hơn... Hay trước đó, sau chuyến "vi hành" xe buýt, thị sát vỉa hè tuyến đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, Bí thư Thành ủy đã có những chỉ đạo sâu sát để khắc phục những vướng mắc, bất cập nảy sinh trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, hạ tầng giao thông…

Một vấn đề nữa cũng đáng quan tâm là tại hội nghị, Bí thư Thành ủy cũng đề cập tới câu chuyện một vị giáo sư phản ánh việc cơ quan chức năng quận Cầu Giấy chậm cấp sổ đỏ cho nhà mình và Bí thư đã trực tiếp xác minh thông tin phản ánh này; kết quả cho thấy nguyên nhân chậm là do chính hồ sơ xin cấp sổ đỏ chưa đủ thủ tục pháp lý. Sự việc trên, và ở góc độ nào đó là thông tin đại biểu Quốc hội nêu, cũng đã cho thấy vai trò quan trọng và ý nghĩa xã hội của tính khách quan trong thông tin, hay nói cho đúng là trách nhiệm thông tin, trách nhiệm phát ngôn. Phải khẳng định rằng, trong bối cảnh công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước nói chung và Thủ đô nói riêng còn bộn bề nhiều công việc thì những ý kiến, phản ánh về những vướng mắc, bất cập phát sinh trong đời sống, rất cần được trân trọng tiếp thu, và nếu được giải quyết kịp thời, với một tinh thần trách nhiệm cao nhất sẽ tác động tích cực đến sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Điều đó càng quan trọng, có ý nghĩa trong thời điểm cả nước và Hà Nội đang nỗ lực hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Tuy nhiên, đó phải là những góp ý, phát ngôn trên tinh thần xây dựng, mang tính khách quan, có sự thẩm định thông tin, tiên lượng được hiệu quả và hậu quả đối với đời sống xã hội. Chính vì vậy, những người có vị trí trong xã hội, có thẩm quyền phát ngôn trước khi công khai ý kiến của mình cần phải ý thức được điều này để có trách nhiệm hơn đối với thông tin và sâu xa hơn là trách nhiệm đối với xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm thông tin và xử lý thông tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.