Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể cấm theo…cảm tính!

Tuấn Kiệt| 25/10/2014 07:08

(HNM) - Trước nay, việc lấy tên danh nhân để đặt tên cho các địa danh, đường phố hay các tổ chức, trường học, doanh nghiệp… được sử dụng phổ biến, trở thành nét văn hóa hay, thể hiện sự trân trọng, biết ơn đồng thời cũng là một cách thức tuyên truyền, lưu danh những tên tuổi lớn.


Vậy mà đùng một cái, cơ quan quản lý ban hành văn bản hạn chế doanh nghiệp đặt tên trùng với các danh nhân với lý giải là để phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Thoạt nghe, ý tưởng quy định đặt tên doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa, đạo đức là điều bình thường. Nhưng xét từ thực tế thì quy định này có điều gì đó bất ổn, mang nặng cảm tính, không xét đến lợi ích của doanh nghiệp. Hơn nữa, nhu cầu dùng tên danh nhân có ở hầu hết các lĩnh vực trong xã hội, sao chỉ một mình doanh nghiệp bị cấm.

Có quan điểm lý giải rằng việc này là để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp làm bừa, làm ẩu, ảnh hưởng xấu đến uy tín của danh nhân. Nhưng nếu nói như vậy thì kể cả các trường học, các bệnh viện, các tổ chức nếu xảy ra điều xấu thì khác gì nhau? Cũng có người cho rằng quy định thế là để góp phần ngăn chặn doanh nghiệp lợi dụng tên tuổi danh nhân để kiếm lợi nhuận. Cách nghĩ này còn nặng sự cảm tính hơn nữa. Bởi việc đánh giá thế nào là lợi dụng, bao nhiêu là kiếm lời không phải là chuyện dễ.

Lâu nay, ở ta vẫn hay có tình trạng đưa ra giải pháp theo kiểu "quản không được thì cấm" nên có những quy định thiếu tính khả thi. Nói gì chăng nữa thì hệ thống chính sách pháp luật vốn là để góp phần điều chỉnh các quan hệ xã hội được tốt hơn, và nó tác động trực tiếp đến đời sống xã hội. Do đó ra một lệnh cấm ở bất cứ lĩnh vực nào cần phải dựa trên cơ sở khoa học và có đánh giá sự tác động kinh tế xã hội chứ không thể cấm theo cảm tính.

Đối với các doanh nghiệp thì quy định này chẳng khác gì đánh đố vì tuy ban hành quy định cấm nhưng lại không có những tiêu chí cụ thể xác định ai là danh nhân. Và thực tế là tên doanh nhân được lấy cho tên doanh nghiệp có khi trùng khớp hoàn toàn với tên danh nhân, như vậy thì hẳn là việc cấm phỏng có ích gì.

Xét cho cùng, khi thành lập doanh nghiệp, người ta cũng phải tính đến uy tín của chính doanh nghiệp. Chẳng ai lấy một cái tên xấu để đặt cho doanh nghiệp hoặc lại cố ý tự làm xấu để hủy hoại cái tên ấy làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Những rủi ro xảy ra thường là ngoài ý chí chủ quan. Nên đừng vội coi việc dùng tên doanh nghiệp trùng với tên danh nhân là để trục lợi giống như việc trùng tên cạnh tranh trong thương trường hay vi phạm sở hữu trí tuệ. Đa phần, việc lấy tên danh nhân hay địa danh đặt cho doanh nghiệp là mang ý nghĩa tôn vinh, có thể danh nhân đó gắn liền với ngành nghề hoặc địa danh gắn liền với nơi doanh nghiệp hình thành, hoạt động. Việc đặt tên không ảnh hưởng đến uy tín của danh nhân, mà còn là cách để tôn vinh, góp phần lưu danh những tên tuổi lớn đó. Chẳng phải trước nay những cái tên như Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Cơ khí Quang Trung hay Cơ điện Trần Phú cũng đã được sử dụng và rất nổi tiếng đó sao.

Ở góc độ pháp lý, khi đưa ra một quy định có những tiêu chí áp dụng, trái ngược, thậm chí mâu thuẫn với các quy định khác là bất bình đẳng, hạn chế quyền của doanh nghiệp. Việc thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng cũng sẽ dẫn đến việc thực thi tùy tiện. Rõ ràng là nếu chính sách pháp luật không phù hợp với thực tế sẽ khó đi vào cuộc sống. Vì vậy, việc cân nhắc, điều chỉnh văn bản trước khi có hiệu lực là điều nên làm…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không thể cấm theo…cảm tính!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.