Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng xử trong ”ngày nhạy cảm”

Dục Tú| 17/11/2014 06:19

(HNM) - Đã sắp tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Năm nay, cũng như nhiều năm trở lại đây, chuyện ứng xử với thầy cô giáo trong ngày này lại trở thành đề tài thu hút ý kiến tranh luận trên các trang báo, diễn đàn. Chắc chắn là có cả trong câu chuyện ở nhiều gia đình có con cháu đang tuổi đến trường.


Có một điểm chung trong đa số ý kiến tham gia tranh luận về cách thức ứng xử của học sinh, phụ huynh học sinh đối với các thầy cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, đó là nên có quà tặng các thầy, các cô trong dịp này. Trên một số diễn đàn hay sau những bài báo đã đăng về chủ đề này, ý kiến chung của phụ huynh học sinh cho thấy tặng quà không phải việc xấu, mà ngược lại, là cách thể hiện tình cảm biết ơn của cá nhân cũng như toàn xã hội đối với những người góp công dạy dỗ con em mình thành người. Nghề giáo là nghề được xã hội trân trọng, đánh giá cao; người theo nghề giáo đa số đáng được tôn trọng và món quà nhỏ mà các thầy cô có thể nhận (hoặc không) trong những ngày này không làm thay đổi sự nhìn nhận chung về họ.

Sự khác biệt nằm ở "khối" ý kiến bàn luận quanh vấn đề tặng quà gì cho thầy cô giáo nhân ngày 20-11, tựu trung chỉ là "quà lớn", "quà nhỏ" thôi nhưng chuyên chở đủ cung bậc cảm xúc của người tham gia. "Quà nhỏ" nhận được sự đồng tình của số đông, từ "điểm mười tặng cô" đến sáng tác thơ, vẽ tranh, làm báo tường, mua bó hoa hoặc chiếc khăn quàng cổ,cân cam, quả bưởi. Miễn không có "phong bì" là được. Với "quà lớn", nặng mùi kim tiền, những giả định về việc tặng loại quà này tạo ra luồng ý kiến chủ đạo với hàm ý phản đối dữ dội. Đa số cho đó là hành vi hối lộ, "mua điểm", làm hư học sinh, tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội, làm hoen ố hình ảnh cao đẹp của nhà giáo Việt Nam. Nhưng cũng có người "biện luận" thời thế đã khác, nay không thể tặng "hoa - điểm mười" cho thầy cô như trước, người ta cười cho, cứ là phải "thực tế". Câu "muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy" được viện dẫn một cách thô thiển, nhằm ý phải biếu xén thì con mình mới được tạo điều kiện học tập đầy đủ… Phản ứng có lúc đến gần sự quá đà, đến mức xuất hiện những "còm" của phía các thầy cô giáo, những nhà giáo chân chính buộc phải lên tiếng khẳng định lại sự trong sáng từ trong tâm tưởng đối với việc nhận quà trong "ngày nhạy cảm", rằng số giáo viên "ngóng" quà cáp trong Ngày Nhà giáo Việt Nam chỉ là số nhỏ, nên hiểu chuyện "con sâu làm rầu nồi canh"…

Dư luận thái quá về việc tặng quà cho thầy cô giáo nhân ngày 20-11 trong thời gian gần đây mang lại nhiều hệ lụy không nên có. Thứ nhất, nó dẫn đến cách hiểu sai về ý nghĩa của việc tặng quà, từ ơn nghĩa trong sáng tình người thành ra mua - bán, đổi chác; cách hiểu sai dẫn đến đánh đồng người xấu - người tốt, hạ thấp ý nghĩa của nghề giáo cũng như Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Thứ hai, "kinh nghiệm biếu xén" được dẫn vu vơ hay những lời chỉ trích "lấy được" trên mạng xã hội có thể dẫn dắt hành vi của nhiều người khác, tạo sức ép phải tặng quà "ra gì" nhân ngày 20-11.

Năm nay, một số nơi đã "bố cáo" chủ trương không nhận quà nhân ngày 20-11. Có Sở GD-ĐT tỉnh thông báo không tiếp khách trong ngày này, có nơi công bố địa chỉ trên mạng để nhận lời chúc mừng, hình ảnh hoa, bưu thiếp… Đằng sau những động thái nói trên không chỉ là thông điệp "nói không với quà tặng", mà, có lẽ, còn là phản ứng tự vệ của các nhà giáo và cơ quan quản lý giáo dục trước luồng dư luận thái quá. Với những hành động có phần bất đắc dĩ đó, ý nghĩa, niềm vui trong ngày 20-11 mà các nhà giáo xứng đáng được hưởng trọn vẹn, có lẽ đã không còn đầy đủ nữa.

Để các thầy cô giáo chân chính phải kém vui trong ngày vui chung của họ, lỗi lớn nhất có lẽ thuộc về phía phụ huynh học sinh, những người đã hiểu sai và có hành động sai trong việc tặng quà nhân "ngày nhạy cảm". Ngành giáo dục gần đây tuyên bố "nói không" với nhiều vấn đề tiêu cực mà trong đó, một số có sự "tiếp tay" của phía phụ huynh học sinh. Muốn môi trường giáo dục trong lành như mong muốn thì tốt nhất, học sinh và người nhà học sinh cần hành động đúng đắn nhằm hỗ trợ ngành giáo dục một cách thiết thực. Đừng cố gắng nhân danh đại diện cha mẹ học sinh để tiếp tay cho nạn lạm thu, nạn lập "quỹ đen". Đừng van nài giáo viên mở lớp dạy trước chương trình. Và, trong những ngày này, đừng dùng phong bì thay hoa chúc mừng. Đừng làm khổ thầy cô giáo nữa!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng xử trong ”ngày nhạy cảm”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.