Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để ”nợ đọng” chất vấn

Thế Phương| 19/11/2014 05:52

(HNM) - Nhiều vấn đề "nóng", nhiều câu hỏi thẳng được đưa ra và những câu trả lời cũng đã bớt vòng vo, các "tư lệnh" ngành đã xác định rõ hơn trách nhiệm của mình với tư cách thành viên Chính phủ.

Dù còn nhiều vấn đề chưa đi đến tận cùng, dù nhiều câu trả lời chưa thỏa mãn khúc mắc của đại biểu Quốc hội cũng như cử tri cả nước... nhưng rõ ràng, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội trong hai ngày vừa qua có nhiều điều được dư luận đánh giá cao... Tuy nhiên, hiệu quả các phiên chất vấn không chỉ ở độ "nóng" của những câu hỏi hay lời hứa, hoặc cam kết "rút kinh nghiệm" của các bộ trưởng, mà nằm ở vấn đề "hậu chất vấn". Nói cách khác, vấn đề cử tri quan tâm không dừng lại ở những tranh luận nghị trường mà là việc các vị bộ trưởng thực hiện lời hứa trước Quốc hội và cử tri như thế nào?

Vì sao nói như vậy? Trước hết chất vấn tại Quốc hội không phải là chuyện hỏi cho biết thông tin hay trả lời để giải đáp thắc mắc. Chất vấn nhằm làm rõ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các bộ, ngành đối với những vấn đề cử tri quan tâm, đặt ra từ thực tiễn cuộc sống, để cùng tìm ra phương cách giải quyết vấn đề. Do vậy, giải pháp chính là yếu tố quan trọng nhất sau mỗi nội dung chất vấn. Một đại biểu Quốc hội nhận định: Nếu chất vấn là quá trình nhận ra, nhận thấy, nhận thức, nhận biết thì hậu chất vấn phải là hành động và chuyển động. Thực tế, có nhiều vấn đề sau chất vấn đã "chuyển động" như việc bình ổn thị trường vàng, đẩy tiến độ một số công trình giao thông… được cử tri đánh giá cao.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều vấn đề từng làm "nóng" nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn... nhưng "chuyển động" không bao nhiêu như việc xử lý các doanh nghiệp vi phạm nợ đọng bảo hiểm xã hội, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu để bảo đảm nhu cầu tối thiểu của người lao động, tình trạng buôn lậu như "con voi chui qua lỗ kim", hay người nông dân mua phải thuốc trừ sâu, phân bón giả... Thậm chí, có nhiều vấn đề qua nhiều nhiệm kỳ bộ trưởng nhưng vẫn nan giải như thực phẩm bẩn tràn lan thị trường, sự xuống cấp về y đức trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, nhân viên ngành y tế, vấn nạn "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" hay tai nạn giao thông vẫn là nỗi đau trong lòng xã hội... Đây chính là những "món nợ đọng" với cử tri cả nước.

Chất vấn là một trong những hình thức giám sát có hiệu quả của Quốc hội và kết quả của chất vấn chính là hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của các thành viên Chính phủ. Do vậy, sau mỗi cuộc chất vấn các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cần tiếp tục giám sát hậu chất vấn để làm rõ những vấn đề được đặt ra, những lời hứa trên diễn đàn Quốc hội có "chuyển động" trong đời sống xã hội hay không? Vị "tư lệnh" ngành nào nhận khuyết điểm trước Quốc hội mà không sửa chữa, hứa trước cử tri mà không làm thì Quốc hội phải xem xét trách nhiệm để xử lý. Nếu để xảy ra tình trạng nhận trách nhiệm cho có, hứa cho xong thì việc chất vấn sẽ không còn bao nhiêu giá trị. Lúc đó, trách nhiệm sẽ thuộc về Quốc hội.

Tóm lại, những gì các vị "tư lệnh" đã hứa với cử tri tại phiên chất vấn cần được giám sát để trở thành hiện thực và chỉ khi người đứng đầu các bộ, ngành tạo ra những "chuyển động" tích cực ở các lĩnh vực thì chất vấn mới đạt kết quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để ”nợ đọng” chất vấn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.