Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để có mô hình phù hợp

Hoàng Thu Vân| 25/11/2014 06:00

(HNM) - Sáng 24-11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Về nguyên tắc, phải khẳng định sự cần thiết của bộ luật này.



Việc ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương không chỉ nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại của Luật Tổ chức HĐND và UBND sau 11 năm thi hành, mà còn nhằm cụ thể hóa những quy định mới của Hiến pháp và chủ trương, chính sách của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Điều đó nhằm nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền địa phương.

Chính vì lẽ đó, các ý kiến đại biểu Quốc hội đưa ra dù ủng hộ phương án nào cũng đều xác định đây là vấn đề hệ trọng của quốc gia, cần thảo luận, cân nhắc thận trọng.

Trong mô hình tổ chức chính quyền địa phương, việc có hay không có HĐND 3 cấp là nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội. Theo như dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương, có hai phương án được đưa ra. Phương án 1: Ở đơn vị hành chính quận, phường chỉ tổ chức UBND, không tổ chức HĐND. Phương án 2: Cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, đơn vị hành chính tương đương thuộc thành phố trực thuộc trung ương; xã, phường, thị trấn. Tất nhiên, mỗi phương án đều có những ưu việt riêng, nhưng quan trọng là phải lựa chọn được một mô hình phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp trong thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước, song quyền lực đó phải chịu sự giám sát chặt chẽ của nhân dân. Mặt khác, lựa chọn được một mô hình phù hợp cũng sẽ giúp cho bộ máy tránh được sự cồng kềnh, đông mà không mạnh, đồng thời có quá nhiều cấp trung chuyển, nối dài, trong khi phân cấp trách nhiệm lại chưa rõ ràng dẫn đến một số "chi tiết", "vị trí" trong bộ máy chỉ tồn tại về mặt hình thức. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho bộ máy quản lý của chúng ta có quá nhiều người "đi ra đi vào" nhưng cũng không thể tinh giản, là gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Cùng với đó, tình trạng trên là nguyên nhân sâu xa dẫn đến cơ chế trả lương "bình quân chủ nghĩa", tạo cơ hội cho những hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực từ chính những công bộc của nhân dân...

Rõ ràng, trong giai đoạn hiện nay, Luật tổ chức HĐND và UBND sau 11 năm thi hành đã bộc lộ một số bất cập, cần sửa đổi để phù hợp với Hiến pháp. Mô hình tổ chức chính quyền địa phương cần thiết phải có sự thay đổi để phù hợp đặc điểm cụ thể của nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Một số thành phố lớn trong đó có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... đều thống nhất việc cần có cơ chế để hình thành chính quyền phù hợp với đặc trưng của nông thôn và đô thị. Sự khác nhau của chính quyền đô thị và chính quyền địa phương ở chỗ do đặc điểm kinh tế - xã hội khác nhau nên phương thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ cũng khác nhau, song tính nhân dân, tính đại diện cho quyền lực của nhân dân là không thay đổi...

Một số vấn đề nêu trên cần được Ban soạn thảo dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương có những nghiên cứu, đánh giá vừa sát với thực tế đời sống, song phải dựa trên lý luận và căn cứ khoa học để tìm ra mô hình phù hợp với quy luật phát triển và thực sự mang tính đột phá, thuyết phục sự đồng thuận cao của các đại biểu Quốc hội. Tiếc rằng, dự án luật lần này chưa đạt được điều đó vì theo ý kiến của nhiều đại biểu là chưa có căn cứ phân tích rõ ràng cùng những luận cứ khoa học mang tính thuyết phục. Đây cũng là vấn đề cần rút kinh nghiệm trước khi từng dự thảo luật được đưa ra trình và xin ý kiến Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để có mô hình phù hợp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.