Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đừng tư duy… máy lạnh!

Nguyễn Đức| 28/11/2014 06:04

(HNM) - Quay phim, chụp ảnh cảnh sát giao thông đang thực thi nhiệm vụ phải xin phép; đi xe không chính chủ bị phạt; quy định số vòng hoa, cấm rắc vàng mã trong đám tang… là một số quy định pháp quy thiếu tính thực tế do các cơ quan chức năng dự thảo hoặc đã ban hành thời gian qua.



Khi các phương tiện thông tin đại chúng lên tiếng, tranh cãi nổ ra, sau thoáng ngỡ ngàng, nhiều người tủm tỉm với "tính hài hước" của các văn bản và dư luận vô cùng bức xúc. Không bức xúc mới lạ!

Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc quản lý, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, luật và thực tế, do vậy đòi hỏi các cơ quan soạn thảo, ban hành phải hết sức nghiêm túc, cẩn trọng. Không chỉ có kiến thức về lĩnh vực tư pháp, soạn thảo văn bản hành chính, kiến thức chuyên ngành, lĩnh vực này còn đòi hỏi phải có sự hiểu biết sâu sắc về thực tế, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan trực tiếp tới đời sống dân sinh. Vậy mà, không ít "công bộc" ở các bộ, ngành, địa phương đã, đang và rất có thể sẽ đưa ra những ý tưởng kỳ lạ khi đề xuất các quy định… trên trời kể trên. Dư luận cho rằng, sở dĩ có hiện tượng đó là do "soạn luật" bằng tư duy… máy lạnh, thiếu kiến thức, thiếu thực tiễn. May mà với sự lên tiếng của công luận, sự vào cuộc của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp)… hàng loạt dự thảo, quy định nói trên đã bị bác bỏ.

Bên cạnh những đề xuất quy định theo lối tư duy máy lạnh kể trên, dư luận cũng bức xúc không kém về việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện luật khiến chính quyền cơ sở, doanh nghiệp, người dân loay hoay không biết đường nào mà lần. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới công tác quản lý, điều hành của cơ quan chức năng, làm khó các doanh nghiệp. Cũng có trường hợp, văn bản hướng dẫn đã được ban hành nhưng do chuẩn bị chưa tốt, thiếu đồng bộ nên phải hoãn đi hoãn lại vì chưa đủ điều kiện, gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện. Nhiều đại biểu Quốc hội đã không ít lần lên tiếng gay gắt về vấn đề này. Vẫn biết, nếu chuẩn bị chưa kỹ lưỡng, thực hiện thiếu hiệu quả thì việc hoãn, lùi thời hạn là cần thiết, nhưng việc nhiều quy định, hướng dẫn đã ban hành, khi thực thi lại trục trặc, phải điều chỉnh rõ ràng là rất không nên. Đơn giản là bởi sự thiếu đồng bộ trong hướng dẫn, thực thi luật hoặc vừa ban hành đã hoãn, chỉnh sửa, bổ sung… có thể làm mất đi sự uy nghiêm của luật pháp.

Tại kỳ họp Quốc hội khóa XIII lần này, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Với hàng loạt bức xúc, vướng mắc xảy ra thời gian qua, như đã kể trên, thì việc luật hóa việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật là rất cần thiết. Trước hết sẽ giúp bảo đảm tính đồng bộ khi ban hành, thực thi các luật, bộ luật. Sau nữa, việc luật hóa, với những điều khoản quy định trách nhiệm, hình thức xử lý cụ thể sẽ khiến các "công bộc" của nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm với công việc của mình để đưa ra những đề xuất, quy định sát thực tế, thực thi trơn tru, được nhân dân ủng hộ. Từ đó, có thể ngăn chặn hiện tượng soạn văn bản quy phạm pháp luật bằng tư duy máy lạnh, thiếu thực tế hoặc vì những lý do nào đó, phục vụ lợi ích nhóm… Cử tri mong muốn các vị đại biểu Quốc hội với tư duy sáng suốt, vừa có kiến thức, vừa sát thực tế, đóng góp nhiều ý kiến sắc sảo cho dự án luật quan trọng này để hạn chế tối đa sự chồng chéo, bất cập đã, đang xảy ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đừng tư duy… máy lạnh!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.