Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hai trong một

Hoàng Thu Vân| 23/12/2014 06:18

(HNM) - Trong sự phát triển của Thủ đô và đất nước, việc bảo tồn và phát triển văn hóa nói chung cũng như bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng thực chất là hai mặt của một vấn đề.

Tuy nhiên, giải quyết hài hòa các mối quan hệ, các yếu tố ấy trong từng trường hợp cụ thể cũng như trong một tổng thể lại không hề đơn giản khi nghiêng lệch về một phía nào đó hoặc đề cao mặt nào đó đều là không chuẩn.

Phát biểu của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị tại Đại hội Hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ III đã góp phần làm sáng tỏ trong nhận thức về vấn đề nêu trên.

Lĩnh vực văn hóa là rất rộng lớn và người ta thường gắn khái niệm "bảo tồn văn hóa" với những đối tượng cụ thể như bảo tồn văn hóa truyền thống, bảo tồn văn hóa vật thể, bảo tồn văn hóa phi vật thể… Hiểu theo nghĩa chung nhất thì bảo tồn văn hóa là gìn giữ, lưu lại những giá trị văn hóa. Còn phát triển văn hóa là yếu tố khách quan sự vận động của lĩnh vực văn hóa nhằm đem tới sự biến đổi giá trị và hệ giá trị nhằm vươn tới cái đẹp hơn cho cuộc sống của con người. Như vậy, bảo tồn và phát triển là mối quan hệ biện chứng, tự nhiên; là mối quan hệ vừa có tính kế thừa, chọn lọc, bổ sung và phát triển. Bảo tồn văn hóa không phải là hoạt động cản trở sự phát triển văn hóa, mà trong một chừng mực nào đó còn là cơ sở cho sự phát triển văn hóa theo đúng hướng.

Bản thân quá trình phát triển văn hóa có sự đào thải yếu tố văn hóa lỗi thời, lạc hậu, không phù hợp với hiện thực khách quan. Bảo tồn và phát triển văn hóa có thể được coi là thúc đẩy nhau; bảo tồn văn hóa giữ vai trò là cơ sở góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa.

Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa cũng phải tuân theo quy luật ấy. Theo Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, mục tiêu của phát triển là vì con người và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cũng vì con người. Do đó bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa không thể tách rời xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội mà phải bổ sung, bồi đắp cho nhau, để di sản được bảo tồn, phát huy và kinh tế phát triển bền vững nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Thủ đô Hà Nội - mảnh đất nghìn năm văn hiến, bên cạnh vị trí vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế, còn là nơi lưu giữ một kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, lớn nhất của cả nước. Vậy nên, trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô, mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa nói chung cũng như các di sản văn hóa nói riêng luôn gặp phải nhiều khó khăn thách thức. Những dự án, công trình xây dựng được triển khai ở các khu vực có di tích luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Trong đó có những ý kiến đóng góp, phản biện cần thiết để chúng ta có thể chọn lựa ra phương thức giải quyết một cách hài hòa, bảo đảm cho các yếu tố bảo tồn và phát triển. Tuy nhiên, cũng có không ít quan điểm được đưa ra từ cách nhìn nhận cực đoan, phiến diện một chiều, thậm chí là cả ý đồ cá nhân hoặc nhằm đánh bóng tên tuổi… Điều đó không khó nhận ra khi người ta cố tình tách rời các yếu tố bảo tồn và phát triển trong việc xem xét, nhìn nhận và đánh giá một vấn đề, một công trình, dự án cụ thể. Do đó "hai trong một" ở vấn đề này đầu tiên phải thông từ… nhận thức vì đã có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để khẳng định điều đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hai trong một

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.