Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để ”lắm sãi không ai quét chùa”!

Thế Phương| 25/12/2014 06:14

(HNM) - Hàng nhái, hàng giả, buôn lậu, hàng gian lận thương mại, trốn thuế là vấn nạn của đất nước! Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) Lê Thế Bảo đã nhận định như vậy tại hội thảo cập nhật tình hình đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái dịp Tết - 2015.

Trong số 31 mặt hàng mà VATAP thống kê, rượu bia là mặt hàng bị làm giả, làm nhái nhiều nhất trong thời điểm tết đến, xuân về. Còn theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, không có sản phẩm, nhãn hiệu rượu mạnh quốc tế nào được phép sản xuất ở trong nước, vì thế bất kỳ cá nhân, tổ chức nào sản xuất các sản phẩm này đều là làm giả... Sau rượu, bia, mỹ phẩm cũng là mặt hàng bị làm giả, làm nhái với tốc độ chóng mặt... thậm chí, tem chống giả cũng bị làm giả... Cơ quan chức năng cho biết thêm, không chỉ trong nước mà ở nước ngoài cũng sản xuất hàng giả, hàng nhái gắn mác Việt Nam...

Hàng lậu, hàng giả đúng là vấn nạn của đất nước và đã đeo đẳng từ nhiều năm nay. Nguyên nhân có nhiều, cũng đã được chỉ ra rất rõ: Cơ chế thực thi còn chồng chéo, sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, xử lý chưa nghiêm..."Hiện có khoảng 35 văn bản quy định về chống hàng giả, hàng nhái nhưng nhiều quy định lại đá nhau, không phù hợp thực tế" - ông Lê Thế Bảo nói như vậy. Bộ Y tế quản lý nước đóng chai, Bộ Công thương quản lý nước giải khát, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì quản lý về tinh bột... Về xử lý hàng hóa bị làm giả, có văn bản quy định "tịch thu, tiêu hủy" nhưng có văn bản lại "loại trừ yếu tố vi phạm"... Rất nhiều đầu mối và đủ kiểu văn bản.

Phương án được VATAP đưa ra là: Tuyên truyền sâu rộng để nâng cao ý thức người dân, không tham gia sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, không bao che, không sử dụng "để hàng giả, hàng nhái không còn đất sống". Tăng cường tuyên truyền là một giải pháp đúng, nhưng nếu chỉ tuyên truyền sẽ không đem lại bao nhiêu kết quả. Với thực trạng hàng giả, hàng nhái đang tung hoành khắp thị trường với những thủ đoạn gian lận thương mại tinh vi rõ ràng phải có giải pháp mạnh. Đã đến lúc cần tỏ thái độ quyết liệt, có chế tài phạt nặng những người sản xuất, tiêu thụ và xử lý nghiêm những cán bộ tiếp tay, dung túng cho việc buôn bán hàng giả, hàng nhái. Trước mắt, để hàng giả, hàng nhái không thể hoành hành trong dịp xuân về, tết đến, ngoài việc tăng cường quản lý thị trường, kiểm tra, xử lý vi phạm, cần có sự phối hợp đồng bộ các lực lượng để đẩy mạnh việc triệt phá các ổ nhóm buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng nhái.

Tóm lại, vấn nạn hàng giả, hàng nhái không mới, các giải pháp đưa ra tại Hội thảo cập nhật tình hình đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái dịp Tết - 2015 cũng không mới. Vấn đề nằm ở sự quyết liệt và trách nhiệm của các cơ quan chức năng cũng như người thực thi công vụ. Và để tránh tình trạng nhiều lực lượng cùng tham gia chống hàng giả, hàng nhái, nhưng khi xảy ra sự việc thì cơ quan này đổ lỗi cho cơ quan khác, không quy trách nhiệm được cho ai… cần phải có sự phân công cụ thể và định rõ trách nhiệm cá nhân khi để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại. Nếu còn "lắm sãi không ai quét chùa", nhiều văn bản, nhiều quy định nhưng lại gây khó khăn cho người thực thi công vụ thì hàng giả, hàng nhái vẫn còn đất sống…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không để ”lắm sãi không ai quét chùa”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.