Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sau sáng chế là gì?

Nguyễn Đức| 26/12/2014 06:43

(HNM) - Liên tiếp chuyện người Việt "sáng chế" được ô tô để chở con đi học xuất hiện trên các trang báo mạng. Dư luận hoan hỷ với khả năng sáng tạo tuyệt vời của những nhà "sáng chế" chân đất. Đó là anh Nguyễn Kim Sơn, ở xã Bài Sơn, Đô Lương, Nghệ An, là ông Nguyễn Đình Công, xã Đà Sơn, Đô Lương, Nghệ An "sáng chế" ra ô tô sử dụng động cơ xe máy.



Mục đích của những "nhà sáng chế" chỉ đơn giản là để chở con cháu đi học cho khỏi mưa, khỏi nắng. Đáng nể hơn, với niềm đam mê xe hơi, anh Nguyễn Hoành, một người dân ở huyện Hoài Đức, Hà Nội còn "chế tạo" ra một chiếc ô tô sử dụng động cơ xe Fiat Tempra đời 1996 (động cơ ô tô thực sự loại 1,6l với 4 xi lanh thẳng hàng)... Đó là chưa kể chuyện "chế" xe bọc thép của ông Trần Quốc Hải, nông dân xã Suối Dây, Tân Châu, Tây Ninh, rồi sửa chữa xe tăng cho Chính phủ Campuchia, được loan truyền trước đó chưa lâu. Khi cả ngành công nghiệp ô tô Việt Nam gần như giẫm chân tại chỗ, khi tỷ lệ nội địa hóa dù được nâng cao dần theo năm tháng, nhưng rốt cuộc vẫn chỉ là những chi tiết không mang tính quyết định tới khả năng vận hành, bảo đảm an toàn của chiếc xe thì không tự hào sao được với khả năng sáng tạo của những nông dân chân đất.

Tuy nhiên, đằng sau niềm vui đó là không ít nỗi buồn và có nhiều điều rất đáng để suy nghĩ. Trước hết, không thể phủ nhận khả năng sáng tạo, niềm đam mê cơ khí của những người dân kể trên, nhưng nhìn sâu vào bản chất vấn đề, những "sáng chế" của họ chỉ đơn thuần là lắp ráp dựa trên những chi tiết vô cùng quan trọng có sẵn. Với những chi tiết sẵn có như vậy, bất cứ người dân nào sáng dạ, đam mê cơ khí đều có thể mua và "sáng chế" ra một sản phẩm như ý, giống như những chiếc xe ba bánh tự chế hay công nông (vốn đã bị cấm lưu hành)… Điều đáng buồn thứ hai là những "sáng chế" nêu trên đã được người dân sử dụng trong cuộc sống thường nhật nhưng cơ quan chức năng và chính quyền địa phương im lặng cho tới khi được các cơ quan thông tấn, báo chí, trang mạng phát hiện, thông tin rộng rãi.

Chẳng thể trách người dân khi họ sáng tạo để phục vụ cuộc sống, sinh hoạt thường nhật. Với suy nghĩ đơn giản đó, họ có thể không để ý tới các quy định bắt buộc khi có "sáng chế", sản xuất phương tiện phục vụ gia đình. Điều đáng nói là dù đã vận hành, nhiều người biết, nhưng chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước lại… không biết, hoặc biết nhưng biết cho có, biết để đấy. Đây là việc rất đáng để nghĩ và cũng rất đáng lo ngại bởi mỗi phương tiện khi lưu thông điều kiện cần và đủ không chỉ là bảo đảm an toàn cho người sử dụng mà cả những người đang tham gia giao thông. Mà theo quy định, những phương tiện nói trên phải được đăng kiểm, đăng ký, khi và chỉ khi bảo đảm yêu cầu kỹ thuật mới được phép lưu thông. Vậy mà…

Đáng buồn nữa là ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vốn được bảo hộ trong nhiều năm để tăng tỷ lệ nội địa hóa, sản xuất ra những sản phẩm Việt Nam nhưng đến nay vẫn chỉ là những xưởng lắp ráp. Như đã nói, tỷ lệ nội địa hóa dù đã cao, nhưng những chi tiết quan trọng, đòi hỏi "chất xám" lớn, có ảnh hưởng quyết định đến phương tiện vẫn phải… nhập khẩu. Và người dân phải chấp nhận mua xe với giá cao ngất ngưởng để chờ ngành công nghiệp ô tô trưởng thành. Đã đến lúc cần nhìn thẳng vào vấn đề "sáng chế" hay "lắp ráp" để có định hướng phù hợp, quản lý chặt chẽ, không chỉ để phát triển ngành công nghiệp nước nhà mà còn để những "sáng chế" thực sự là sáng chế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sau sáng chế là gì?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.