Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ truyền thống, loại trừ hủ tục

Dục Tú| 02/02/2015 06:09

(HNM) - Đến cuối tuần qua, câu chuyện về việc Tổ chức Động vật Châu Á đưa ra khuyến cáo, rằng lễ hội chém lợn ở Việt Nam mang tính tàn bạo, cần phải loại bỏ, vẫn còn gây tranh luận trên các diễn đàn văn hóa. Nhìn chung, có hai luồng ý kiến chủ đạo về việc này.

Một phía bảo lưu quan điểm không nên xóa bỏ tục chém lợn bởi đó là nét riêng mang tính truyền thống, cần phải giữ gìn, rằng tục chém lợn bản thân nó không bao hàm sự ác, chỉ là hành động nhằm thể hiện ước muốn mùa màng tốt tươi, sức sống tràn trề, cuộc sống no đủ của nhân dân. Nhưng cũng có nhiều người cho rằng tục chém lợn thuộc số hủ tục cần phải loại bỏ, hành động ấy không chỉ gây ảnh hưởng xấu tới phong trào bảo vệ động vật, mà còn tác động xấu tới việc hình thành quan điểm thẩm mỹ, khiến cảm xúc của con người trở nên trơ lì, đi ngược lại truyền thống vị tha, nhân đạo của người Việt Nam, không thể được coi là mỹ tục.

Dư luận đa chiều về một tập tục được hình thành từ lâu, trở thành sinh hoạt văn hóa thường niên ở thôn Ném Thượng, nay thuộc phường Khắc Niệm - TP Bắc Ninh, cho thấy vấn đề cần phải được cơ quan có trách nhiệm xem xét kỹ lưỡng nhằm định hướng hành động rộng rãi. Nói là cần có sự định hướng là bởi vấn đề không chỉ liên quan đến tục chém lợn ở Bắc Ninh, mà còn liên quan đến một số sinh hoạt văn hóa khác, ở nhiều địa phương khác, như tục đâm trâu, hội chọi trâu… cao hơn nữa là triển khai thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - nơi không có chỗ cho sự tồn tại của hủ tục.

Vậy, lễ hội chém lợn có thể coi là hủ tục hay hoạt động văn hóa mang tính nhân văn? Nó cần được duy trì nguyên dạng, nguyên nghĩa hay cần được lược bỏ sự rườm rà và những chi tiết gây phản cảm, ảnh hưởng đến nhận thức của con người về cái đẹp, lòng nhân ái, đặc biệt là với giới trẻ?

Về mặt lý luận, quan điểm chỉ đạo của Đảng về phát triển văn hóa Việt Nam cho thấy đó là một quá trình có cả sự dung nạp cái hay, cái mới tiến bộ; đồng thời loại trừ cái xấu, những điều không còn phù hợp. Lễ hội chém lợn hay đâm trâu không chỉ có sự sát sinh, mà còn có nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống tốt đẹp cần phải giữ gìn. Thực tế cho thấy giới chức có trách nhiệm có thể xem xét những gì phù hợp và những gì chưa phù hợp ở lễ hội này, từ đó đưa ra định hướng điều chỉnh cần thiết, mục tiêu là giữ lại một dạng thức sinh hoạt văn hóa được quan tâm mà không cần phải "vung dao" khiến người người lâm vào cảm giác ghê sợ.

Lễ hội ở Ném Thượng là một vấn đề cụ thể, giải quyết tốt những ồn ào liên quan đến nó không chỉ giúp "yên bụng dư luận" về tục chém lợn, mà còn thể hiện sự nhất quán trong việc thực hiện quan điểm chỉ đạo về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ truyền thống, loại trừ hủ tục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.