Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải có giải pháp tổng thể!

Thế Phương| 26/02/2015 06:19

(HNM) - Ngày 24-2 (mùng 6 tháng Giêng), tại lễ hội Gióng (Sóc Sơn - Hà Nội), khi kiệu hoa tre được rước vào Đền Thượng, hàng chục thanh niên đã lao vào tranh cướp các giỏ hoa tre khiến đội bảo vệ phải dùng gậy vụt túi bụi vào những sóng người đang xô đẩy để bảo vệ kiệu. Ẩu đả xảy ra, nhiều người bị đánh đau... Cảnh tương tự cũng diễn ra trước khi kiệu đặt trầu cau được rước vào đền, gậy gộc và những nắm đấm đã được sử dụng cho đến khi số trầu cau này bị cướp hết... Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên chuyện "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" diễn ra trong hội Gióng.

Tổ chức tranh cướp, xô đẩy trong lễ hội là tục hèm, thường gắn với phần diễn xướng tại nơi thờ tự các Thành hoàng là tướng trận. Thậm chí nhiều nơi ở khu vực Đồng bằng Bắc bộ còn tổ chức dàn trận, ném đá vào nhau để lấy may... tuyệt đối không có chuyện ăn thua và thường được tổ chức một cách quy củ. Những người không may bị u đầu hay chảy máu, phía bên kia sẽ lập tức xoa bóp, mời rượu... Còn việc cướp hoa tre ở hội Gióng hoàn toàn khác, đó là sự lợi dụng truyền thống để thỏa mãn lòng tham. Nói cách khác là một hành động phản văn hóa.

Cũng trong ngày 24-2, Thường trực Chính phủ đã họp về tình hình Tết Nguyên đán Ất Mùi - 2015. Theo số liệu lần đầu tiên công bố của Bộ Y tế, trong những ngày nghỉ Tết đã xảy ra hàng nghìn vụ bạo lực, đánh lộn, gây thương tích khiến hơn 6.000 người phải nhập viện, nhiều người đã tử vong (ngày cao nhất có 900 người nhập viện, 11 người tử vong)... gây không ít hệ lụy xã hội. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: "Phải có giải pháp tổng thể về vấn đề này. Các đồng chí lãnh đạo địa phương hết sức chú ý hiện tượng này, không thể xem thường...".

Đành rằng chuyện ẩu đả có nguyên nhân từ bia rượu thì ở bất cứ quốc gia nào cũng có, nhưng số lượng vụ việc và số người bị thương tích lên tới hàng nghìn trong mấy ngày Tết thì quả là không thể xem thường. Hơn nữa, chuyện "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" nhiều khi không bắt nguồn từ việc "đánh chén" quá đà. Lướt qua các trang báo mạng mỗi ngày có thể thấy hàng chục cuộc ẩu đả bởi đủ thứ nguyên nhân, thậm chí từ một cái nhìn khó chịu, một câu nói khó ưa, một cử chỉ "ngứa mắt"... Càng không thể xem thường khi thói quen "nói chuyện" bằng nắm đấm đã lan vào nhiều trường học, gia đình và cả các cơ quan, công sở...

Có thể đặt ra hàng loạt câu hỏi: Vì sao ngày nay con người ta lại dễ dàng đánh nhau đến như vậy? Vì sao những vụ việc sử dụng bạo lực để xử lý nhau ngày càng nhiều, tính chất ngày càng nghiêm trọng? Vì cuộc sống vội vã quay cuồng với những đòi hỏi, quyền lợi cá nhân; vì có vô vàn áp lực nên con người mất dần đi tính vị tha, lòng trắc ẩn để rồi trở nên vô cảm; vì luật pháp chưa được thực thi nghiêm túc dẫn đến người ta phải tìm mọi cách để "tự xử" hay vì thiếu hiểu biết về văn hóa ứng xử và kỹ năng sống?

Có lẽ cốt lõi vấn đề vẫn là giáo dục. Những bài học về đạo đức làm người, về lòng nhân ái là hết sức cần thiết, nhưng đã đến lúc phải xây dựng một nền giáo dục căn cơ hơn từ gia đình đến nhà trường và xã hội, trong đó xác lập rõ ràng và cụ thể mối quan hệ, ứng xử giữa cha mẹ với con cái, thầy cô giáo với học sinh, giữa người với người trong xã hội. Đặc biệt, những người "cầm cân nảy mực" phải nghiêm minh và công bằng trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật dù bất cứ người đó là ai... để tinh thần thượng tôn pháp luật thật sự lan tỏa trong xã hội.

Rõ ràng thực trạng sử dụng bạo lực trong ứng xử hiện nay là không thể xem thường và như Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu: Phải có giải pháp tổng thể về vấn đề này!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phải có giải pháp tổng thể!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.