Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ một đồ án, nghĩ về cơ chế đặc thù cho Thủ đô

Bình Nguyên| 06/03/2015 06:08

(HNM) - Một trong những điểm nhấn thu hút sự quan tâm của người dân Hà Nội nói riêng, dư luận cả nước nói chung là buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với TP Hà Nội ngày 5-3 về phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, đặc biệt là quy hoạch, cơ chế đầu tư trục Nhật Tân - Nội Bài.

1. Một trong những điểm nhấn thu hút sự quan tâm của người dân Hà Nội nói riêng, dư luận cả nước nói chung là buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với TP Hà Nội ngày 5-3 về phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, đặc biệt là quy hoạch, cơ chế đầu tư trục Nhật Tân - Nội Bài.

Nói riêng về đồ án quy hoạch Nhật Tân - Nội Bài, các nội dung chính của đồ án gồm: Ranh giới và quy mô; quy hoạch sử dụng đất với chiều dài gần 12km, diện tích khoảng 2.000ha (chia làm 4 đoạn); tổ chức không gian và hệ thống hạ tầng kỹ thuật… Cụ thể, về quy hoạch sử dụng đất, đoạn 1 (từ sân bay Nội Bài đến đường Vành đai 3), gồm đất nông nghiệp chất lượng cao; công viên công nghệ phần mềm; trung tâm hội trợ, triển lãm thương mại nông sản; trung tâm thương mại - dịch vụ… Đoạn 2 (từ đường Vành đai 3 đến đầm Vân Trì) gồm trung tâm kho vận, thương mại - dịch vụ nam ga Bắc Hồng; trung tâm văn hóa, trung tâm dịch vụ ga đường sắt đô thị; trung tâm văn hóa - thương mại… Đoạn 3 (từ đầm Vân Trì đến đê sông Hồng) gồm tổ hợp tài chính, thương mại, dịch vụ hỗn hợp tầm cỡ quốc tế; các công trình hỗn hợp thương mại, dịch vụ; công viên; các khu nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội… Đoạn 4 (khu vực ngoài đê sông Hồng), gồm trung tâm triển lãm văn hóa, thương mại, dịch vụ cao cấp; khu đô thị sinh thái - đô thị nước gắn với việc khai thác tuyến du lịch ven sông Hồng; công viên hoa sen, bến du thuyền…

2. Có thể thấy đây là một đồ án đồ sộ, khi thực hiện sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Đây còn là cửa ngõ chính Hà Nội đón chào bạn bè quốc tế. Để huy động các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ đầu tư một cách đồng bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phát huy hiệu quả cao nhất, TP Hà Nội đã đề xuất cơ chế đặc thù đầu tư các dự án trong quy hoạch hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài.

Tại buổi làm việc với TP Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý về mặt chủ trương, nguyên tắc phát triển cũng như một số cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý, phát triển khu vực Nhật Tân - Nội Bài. Thủ tướng mong muốn Hà Nội tiếp tục phát huy sức mạnh nội lực, tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đồng thời ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém, đưa Hà Nội có bước phát triển mới trong 5 năm tới để xứng đáng là trái tim, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ… của cả nước.

3. Hà Nội là đơn vị hành chính cấp tỉnh nhưng có vị trí, vai trò là Thủ đô của cả nước. Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, nơi diễn ra các hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng nhất của đất nước. Chính vì vậy, Hà Nội cần được bảo đảm đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng, dịch vụ, về quốc phòng, an ninh để làm tròn chức năng của mình. Một trong những điểm đáng chú ý trong Luật Thủ đô là Nhà nước ưu tiên đầu tư và có chính sách thu hút các nguồn lực để phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, vùng Thủ đô nhằm xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô.

Cuộc làm việc của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng với lãnh đạo Hà Nội khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đối với Thủ đô, khẳng định kết luận của Thủ tướng là cụ thể hóa Luật Thủ đô, đồng thời khẳng định những thành tựu quan trọng mà Thủ đô Hà Nội đã đạt được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ một đồ án, nghĩ về cơ chế đặc thù cho Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.