Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguồn nước là tài sản quốc gia!

Thủy Tiên| 22/03/2015 06:34

(HNM) - Ngay ở bậc tiểu học, con trẻ đã được dạy


Tại lễ mít tinh kỷ niệm ngày Nước thế giới 22-3, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, nước ta có 3.450 sông suối với tổng lượng nước trung bình hằng năm là 830 tỷ mét khối. Tuy nhiên, 2/3 lượng nước lại từ các quốc gia láng giềng chảy vào. Lượng nước nội sinh chỉ chiếm 1/3 và nếu chia cho dân số cả nước thì trung bình một người chỉ khoảng 3.500 m3/năm. Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, cơ bản Việt Nam vẫn là quốc gia thiếu nước và trong tương lai gần tình trạng thiếu nước sẽ tăng lên bởi số cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ nhiều hơn, cùng với đó là gia tăng dân số, mức sống của người dân được cải thiện dẫn đến nhu cầu nước nhiều hơn.

Thiếu nước ở Việt Nam do hai nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu và do con người. Tại các tỉnh Nam Trung Bộ, biến đổi khí hậu đã khiến nhiều tháng qua không có mưa dẫn đến các hồ chứa cạn kiệt gây khó khăn lớn cho sản xuất, chăn nuôi và sinh hoạt của người dân. Một ví dụ khác, trước đây vào mùa mưa, nước sông Hồng luôn đe dọa các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ và cũng không ít năm đã gây ra vỡ đê Hà Nội. Nhưng dăm bảy năm trở lại đây, khi miền Bắc bước vào sản xuất vụ đông xuân, ngành điện phối hợp với ngành nông nghiệp thông báo lịch xả nước từ các hồ chứa ra sông Hồng để các tỉnh có kế hoạch lấy nước phục vụ sản xuất.

Điều đó cho thấy nước sông Hồng rất cạn vào mùa khô. Một câu hỏi đặt ra, nếu không có các hồ thủy điện thì sản xuất vụ đông xuân ở miền Bắc sẽ thế nào? Gần đây, một số nhà khoa học cho rằng mức nước sông Hồng vào mùa mưa rất thấp nên có thể phá hệ thống đê vì sông không còn đủ nước để gây nguy hiểm.

Cũng ở Đồng bằng Bắc bộ, một hình ảnh quen thuộc nên thơ gắn với các vùng quê là chiếc cầu ao. Nhưng nay thì cầu ao mất đi nhiều bởi ao hồ bị lấp. Ao hồ có vị trí vô cùng quan trọng trong sản xuất và sinh hoạt của cư dân đồng bằng, mùa mưa thì đó là nơi tích nước, mùa hanh khô là nơi cung cấp nước cho nông dân trồng rau màu. Mất ao hồ nên nhiều địa phương không thể sản xuất được rau màu vụ đông. Đô thị hóa tự phát ở nông thôn khiến nhiều ao chuôm, những con sông trở thành nơi thoát nước thải khiến nước bị ô nhiễm. Lại thêm các cơ sở sản xuất lén lút xả chất thải chưa xử lý nên thủy sinh ở nhiều đoạn của sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy… không thể sống nổi. Khi ao chuôm bị lấp, sông ô nhiễm thì dân khoan giếng, nhưng tại nhiều địa phương, mạch nước ngầm cũng bị ô nhiễm. Không có nguồn nước khác, họ buộc phải sử dụng dù biết độc hại. Và có một thực tế, nhiều nơi thừa nước ô nhiễm nhưng thiếu nước sạch.

Dù chúng ta có Luật Bảo vệ môi trường nhưng lâu nay trong xã hội vẫn tồn tại quan niệm nước do mẹ thiên nhiên ban tặng nên tài nguyên này là của chung, ai cũng có quyền sở hữu đã dẫn đến sử dụng phung phí, hủy hoại chất lượng nước. Đã đến lúc phải quan niệm: Mọi nguồn nước là tài sản quốc gia, do quốc gia quản lý. Bên cạnh đó phải tăng mức xử phạt có tính răn đe đối với các cá nhân, tổ chức sử dụng lãng phí hoặc gây ô nhiễm nguồn nước. Đồng thời, ngành nông nghiệp cần tính tới đưa hệ thống tưới khoa học tiết kiệm nước vào sản xuất. Chỉ như vậy chúng ta mới tránh được tình trạng thiếu nước trầm trọng trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguồn nước là tài sản quốc gia!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.