Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không còn là nguy cơ...

Đan Nhiễm| 26/03/2015 06:12

(HNM) - Việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường internet đang ngày càng trở nên cấp thiết. Trong khi đó, vấn đề bảo mật hệ thống mạng cũng như ý thức chủ quan của người sử dụng máy tính tại Việt Nam lại tồn tại nhiều bất cập... Đó chính là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo về an ninh mạng toàn cầu 2015 được tổ chức ngày 25-3, tại Hà Nội.


Sở dĩ có nhận định trên là bởi thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, năm 2014 có đến 7.300 trường hợp các cổng, trang thông tin điện tử tại Việt Nam bị tấn công với các nguy cơ khác nhau. Điển hình là đợt tấn công vào hệ thống của Công ty VCCorp hồi tháng 10-2014 với hơn 800 máy chủ, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho doanh nghiệp này cũng như một số báo điện tử do VCCorp chịu trách nhiệm vận hành kỹ thuật; hoặc ngay trong những ngày đầu năm 2015, danh tính của 50.000 khách hàng của VNPT Sóc Trăng cũng bị một nhóm tin tặc công bố trên mạng cho thấy lỗ hổng an ninh mạng tại nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã ở mức rất đáng lo ngại. Bên cạnh đó, báo cáo của Kaspersky Lab đưa ra gần đây cho thấy, Việt Nam đứng đầu top 10 quốc gia có khả năng nhiễm độc (mạng) trên thế giới, xếp thứ 6 trong nhóm 20 quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất, đứng thứ 4/20 nước có nguy cơ bị lây nhiễm online cao nhất thế giới…

Những thống kê trên nói lên nhiều điều, đặc biệt trong bối cảnh việc phổ cập và ứng dụng internet vào công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành và các hoạt động kinh tế, xã hội ngày càng cao.

Internet "vào" Việt Nam đến nay đã gần 20 năm và hiệu quả, tiện ích do "thế giới phẳng" mang lại là không thể phủ nhận. Đồng thời, cũng nổi lên tình trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao để tấn công hệ thống mạng máy tính của các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, trong khi thủ đoạn tội phạm ngày càng tinh vi thì những phương thức và hệ thống bảo mật truyền thống đã không còn hiệu quả. Điều đáng nói là dù các hãng bảo mật, cơ quan quản lý đã cảnh báo nhiều lần về các nguy cơ mất an toàn thông tin khi sử dụng mạng xã hội, giao dịch điện tử, game online... nếu không có biện pháp phòng ngừa song dường như người dùng - cả cá nhân lẫn tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp - vẫn rất thờ ơ. Chẳng hạn, nhóm hacker công bố danh tính 50.000 khách hàng tại Sóc Trăng vì đã nhiều lần gửi thư đến đơn vị quản lý (VNPT Sóc Trăng) để cảnh báo lỗ hổng bảo mật nhưng... không được phản hồi. Phần lớn cổng, trang thông tin điện tử, hệ thống mạng được xây dựng không theo một tiêu chuẩn thống nhất về an ninh thông tin; các phần mềm và thiết bị phần cứng không được nâng cấp, việc cập nhật và vá lỗ hổng bảo mật chưa được chú trọng. Nhiều lỗi bảo mật ở mức nguy hiểm bình thường nhưng không được phát hiện, khắc phục kịp thời dẫn đến gây hậu quả nặng nề... Trong khi đó, những chế tài xử lý tội phạm công nghệ cao đặc biệt thiếu, lạc hậu và không theo kịp sự phát triển của công nghệ khiến các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng nhiều phen bất lực.

Có thể khẳng định vấn đề an ninh mạng giờ không còn là nguy cơ mà là một cuộc chiến thật sự. Bởi vài năm trở lại đây, tình hình an ninh mạng trên thế giới diễn biến rất phức tạp. Điều đó đòi hỏi công tác bảo đảm an toàn thông tin phải được thực hiện bằng hành động thiết thực chứ không chỉ là những kế hoạch chỉ để cho có hoặc thiếu khả thi. Bản thân mỗi người dùng internet cũng cần biết cách tự bảo vệ nếu không muốn rước họa vào thân đôi khi chỉ vì những lỗi sơ đẳng về bảo mật như: Công khai quá rõ danh tính trên mạng xã hội, dùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản (mạng xã hội, email, thẻ tín dụng, điện thoại di động)...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không còn là nguy cơ...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.