Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không chủ quan với kết quả lạc quan!

Nguyễn Đức| 02/04/2015 05:53

(HNM) - Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên bộ về phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô diễn ra ngày 30-3.



Tại cuộc họp này, các thành viên Ban Chỉ đạo khẳng định kinh tế vĩ mô đã ổn định vững chắc hơn, hồi phục tích cực hơn. Thậm chí, mức tăng trưởng GDP trong quý I-2015 đạt tới 6,03% là một bất ngờ, bởi mức tăng trưởng cùng kỳ 2014 chỉ đạt 5,06% và nhất là khi chỉ số CPI liên tục giảm trong những tháng gần đây, bất chấp cả nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, hoàn toàn có thể yên tâm với con số thống kê nêu trên và đủ căn cứ khẳng định kinh tế vĩ mô đã ổn định và tăng trưởng tốt hơn. Đây là tín hiệu tích cực, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến khó lường cùng với tình hình chính trị phức tạp ở nhiều quốc gia và sự biến động phức tạp nhiều đồng ngoại tệ mạnh… Điều đó cũng khẳng định, các chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô thực hiện thời gian qua đã phát huy tác dụng. Lòng tin của người dân, doanh nghiệp vào cơ chế, chính sách ngày càng được củng cố, tăng cường. Cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác, thời gian qua, Việt Nam bị ảnh hưởng khá lớn do giá dầu thô sụt giảm mạnh gây lo lắng cho việc cân đối ngân sách nhưng lập tức Chính phủ đã tìm được giải pháp ứng phó. Do đó thu ngân sách 3 tháng đầu năm rất khả quan, thu nội địa cao do các chính sách kinh tế vĩ mô phát huy tác dụng, nhiều doanh nghiệp đã "hồi sinh", tăng trưởng khá, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách.

Trong quý I-2015, cả nước có 19 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; gần 5.100 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại sản xuất, kinh doanh. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thay đổi tích cực, nếu như thời điểm 1-3-2014 là 10,9%, thì nay giảm xuống mức 6,9%… Những con số nêu trên khẳng định tín hiệu tốt của nền kinh tế và đóng góp cho sự tăng trưởng GDP ở mức 6,03%. Kết quả thu được cũng là thành quả của việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển, sản xuất, kinh doanh. Một ví dụ cụ thể là nếu như trước đây doanh nghiệp phải mất 872 giờ cho việc nộp thuế và bảo hiểm xã hội mỗi năm thì nay đã cắt giảm được 400 giờ; khởi sự kinh doanh chỉ với 5 loại thủ tục, mất 6 ngày thay vì 10 thủ tục và thực hiện trong 31 ngày…

GDP tăng trưởng ngoài dự đoán là tín hiệu hết sức lạc quan để tự tin hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm cao hơn mức dự kiến là 6,2%. Tuy nhiên, đây mới chỉ là quý I và rõ ràng không thể chủ quan với nhưng diễn biến hết sức khó lường của tình hình chính trị thế giới cũng như "sức khỏe" của các đồng ngoại tệ mạnh. Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, do vậy, những biến động về "sức khỏe" của mỗi nền kinh tế lớn nói riêng và thế giới nói chung đều tác động không nhỏ tới kinh tế Việt Nam, giá dầu tụt dốc không phanh thời gian qua là một ví dụ điển hình. Thế nhưng, với việc chủ động điều chỉnh vĩ mô phù hợp, nên kinh tế Việt Nam tiếp tục ổn định và tăng trưởng tốt hơn dự kiến.

Kết quả đạt được trong quý I-2015 khẳng định nếu chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện nghiêm túc chủ trương đúng đắn thì sẽ cho kết quả tốt. Dẫu vậy cũng không thể chủ quan như chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bởi những biến động, rủi ro luôn hết sức khó lường, nhất là khi nền kinh tế thế giới phục hồi chậm. Rõ ràng, sự chủ động của mỗi doanh nghiệp, mỗi bộ, ngành, địa phương là hết sức quan trọng. Chỉ như vậy mới không rơi vào thế bị động và phát huy tối đa nội lực, nhất là trong tình huống bất lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không chủ quan với kết quả lạc quan!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.