Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài học lớn trong tổ chức triển khai thực hiện

Cù Xuân Trường| 20/05/2015 05:58

(HNM) - Thanh tra thành phố Hà Nội đã có Kết luận về thanh tra toàn diện việc thực hiện thay thế cây xanh trên một số tuyến phố của Hà Nội trong thời gian qua với những nhận xét xác đáng, những kết luận khách quan, những kiến nghị nghiêm túc, trong đó có cả đề xuất hình thức kỷ luật đối với tập thể, cá nhân có liên quan trực tiếp, để xảy ra những hạn chế thiếu sót trong việc thực hiện Đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị Hà Nội giai đoạn 2014-2015.

Trước hết có thể nói, Kết luận thanh tra nêu trên là kết quả của một quá trình làm việc nghiêm túc, khách quan, công khai, minh bạch. Đoàn thanh tra liên ngành do Thanh tra thành phố chủ trì đã tập trung thanh tra toàn diện từ chủ trương đến việc tổ chức thực hiện cải tạo, thay thế cây xanh. Với một bản kết luận dài 20 trang (13.814 chữ), Thanh tra thành phố đã làm rõ nhiều nội dung liên quan đến chủ trương cải tạo, thay thế cây xanh đô thị đường phố Hà Nội; Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ nước TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050... Đồng thời, Kết luận thanh tra cũng làm rõ nhiều vấn đề mà báo chí và nhân dân quan tâm, bức xúc như: Việc chặt hạ, trồng cây thay thế, bổ sung theo giấy phép; xung quanh những ý kiến khác nhau về loại cây đã trồng ở một số tuyến đường (là cây Vàng tâm hay cây Mỡ); Quy trình thực hiện cải tạo, thay thế cây xanh tuyến đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh; Việc vận chuyển cây, gỗ, việc quản lý, thanh lý gỗ, củi... Nguồn kinh phí thực hiện (nguồn kinh phí sự nghiệp, nguồn kinh phí huy động từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân).

Từ kết luận của Thanh tra TP Hà Nội, có thể thấy:

Thứ nhất, hệ thống cây xanh nói chung và cây xanh trên các tuyến phố Hà Nội nói riêng dù đa dạng phong phú nhưng do trồng qua nhiều thời kỳ, đến nay đã bị sâu mục; nhiều loại cây được trồng không đúng chủng loại cây đô thị, không phù hợp với cây trồng đường phố, gây nhiều hệ lụy. Và thực tế, nhiều lần mưa to, gió lớn, cây cối đã sập đổ gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Do vậy, cải tạo, thay thế cây xanh trên nhiều tuyến phố là hết sức cần thiết, và thực tế đã là việc làm thường xuyên để Hà Nội đẹp hơn, an toàn hơn và ngày càng xanh hơn.

Thứ hai, việc cải tạo thay thế cây xanh đô thị hai bên đường phố, thay thế các cây cấm trồng, cây không đúng chủng loại; trồng lại cây thay thế theo loại cây chủ đạo của tuyến phố; phát triển cây xanh trên các dải phân cách, đảo giao thông... thời gian qua nằm trong kế hoạch của thành phố (Kế hoạch số 134/ KH - UBND), là một bước cụ thể hóa Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ nước TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một chủ trương đúng nhằm phát triển đô thị bền vững theo Luật Thủ đô.

Thứ ba, thực hiện một đề án mang nhiều ý nghĩa xã hội, tác động đến đời sống sinh hoạt, tâm tư, tình cảm của nhiều người dân, nhưng khi triển khai, một số cơ quan, đơn vị đã thực hiện một cách giản đơn, với nhiều hạn chế, thiếu sót; việc xác định, ước tính chi phí cải tạo, thay thế cây xanh... thiếu khoa học, không chặt chẽ, chưa phù hợp với từng nội dung thực hiện. Trong khi đó việc thông tin lại không đầy đủ, rõ ràng dẫn đến dư luận và người dân hiểu lầm, băn khoăn, lo lắng về việc chặt quá nhiều cây, thậm chí nghi ngờ có tham nhũng, tiêu cực...

Thứ tư, từ những hạn chế, thiếu sót (nêu trong Kết luận thanh tra - đã đăng trong số báo này), bên cạnh việc yêu cầu đánh giá, điều chỉnh các biện pháp, cách làm không phù hợp; khắc phục những thiếu sót, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện..., Thanh tra TP Hà Nội đã kiến nghị: Nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo UBND thành phố do thiếu kiểm tra, sâu sát trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện việc cải tạo, thay thế cây xanh trong thời gian vừa qua. Kiểm điểm và xử lý kỷ luật theo quy định đối với các đơn vị, cá nhân thuộc Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan trong công tác tham mưu, đề xuất, tổ chức thực hiện để xảy ra những hạn chế, thiếu sót... Đây là những kiến nghị hết sức thẳng thắn, trách nhiệm.

Thực tế, trong những năm vừa qua, Hà Nội luôn coi trọng, quan tâm, cải tạo và phát triển hệ thống cây xanh, nhiều lần thành phố đã xem xét lại và quyết định xây dựng công viên, vườn hoa tại một số địa điểm trước đó có chủ trương thực hiện dự án cho những mục đích khác. Thay thế cây xanh trên các tuyến phố Hà Nội, xuất phát từ một chủ trương đúng, một việc làm thường xuyên vì mục tiêu phát triển bền vững của Hà Nội. Vậy có thể đặt câu hỏi: Vì sao việc thay thế cây xanh vừa qua lại không nhận được nhiều sự đồng tình ủng hộ? Trước hết, các đơn vị thực hiện không nhận thức được sự nhạy cảm rằng cây xanh còn là tình cảm, tâm tư trong đời sống sinh hoạt của người dân. Tiếp đó là sự hạn chế trong việc cung cấp thông tin rộng rãi, chưa chú trọng việc lấy ý kiến các ngành, các giới, chưa giải thích cặn kẽ để người dân hiểu và đồng thuận... Và đặc biệt quan trọng là những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện (như đã nêu trong Kết luận thanh tra).

Từ những kết luận khách quan, nghiêm túc, minh bạch của Thanh tra thành phố, từ những hiệu ứng thực tế mà mỗi người đều có thể cảm nhận trong việc thay thế cây xanh trên một số tuyến phố của Hà Nội thời gian qua, có thể rút ra nhiều bài học. Rõ ràng nhất là việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách. Chủ trương đúng, chính sách đúng, nhưng những người thực hiện không ý thức đầy đủ tầm quan trọng, mức độ ảnh hưởng, trong quá trình triển khai thực hiện không tạo được sự đồng thuận, lại để xảy ra thiếu sót, sai phạm... thì không những chủ trương, chính sách không đi vào cuộc sống hoặc không phát huy hiệu quả trong cuộc sống, mà còn tạo ra nhiều hệ lụy. Thậm chí, những kẻ xấu hoàn toàn có thể lợi dụng để "té nước theo mưa", gây bất ổn cho xã hội. Đây là vấn đề cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm.

Từ những vấn đề liên quan đến Đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị Hà Nội giai đoạn năm 2014-2015, có thể thấy rất rõ thái độ hết sức quyết liệt, trách nhiệm của lãnh đạo thành phố trong giải quyết những công việc liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh bức xúc, được dư luận đặc biệt quan tâm. Đồng thời, cũng cho thấy lãnh đạo thành phố luôn trân trọng và cầu thị đối với những ý kiến, kiến nghị, góp ý xác đáng của các tầng lớp nhân dân Thủ đô và cả nước. Ngay sau khi có Kết luận thanh tra nêu trên, UBND TP Hà Nội đã ban hành công văn chỉ đạo Giám đốc một số sở, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các quận xử lý sau thanh tra việc cải tạo, thay thế cây xanh một số tuyến phố trên địa bàn. Ban Cán sự đảng UBND thành phố kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo UBND thành phố, lãnh đạo Sở Xây dựng và các tổ chức, cá nhân liên quan theo thẩm quyền. Mọi công việc phải hoàn thành, xong trước ngày 30-6-2015. Thành phố không quanh co, né tránh, sẽ xử lý đúng mức, khách quan trong phạm vi thẩm quyền của mình đối với những khuyết điểm, sai phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài học lớn trong tổ chức triển khai thực hiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.