Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bồi đắp lòng tự hào dân tộc!

Thế Phương| 25/05/2015 05:41

(HNM) - Ngày 22-5, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã ban hành Công văn số 2240-CV/BTGTU về việc thực hiện nghi lễ chào cờ trong sinh hoạt tập thể, tổ chức các hội nghị và sự kiện quan trọng.

Công văn nêu rõ các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị trong hệ thống thực hiện nghiêm việc hát Quốc ca trong lễ chào cờ theo quy định, thường xuyên giáo dục, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của lễ chào cờ Tổ quốc, hát Quốc ca, Quốc tế ca...; đồng thời, yêu cầu tất cả giáo viên, cán bộ, nhân viên và học sinh, sinh viên thực hiện hát Quốc ca (có hoặc không có nhạc đệm) để việc chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca trở thành nền nếp trong hệ thống giáo dục...

Chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca là một nghi lễ thiêng liêng, thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự hào và trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân. Quốc ca là quốc hồn của dân tộc, của đất nước, được kết tinh qua giai điệu, lời ca và đã được những thế hệ người Việt hát vang trong hai cuộc trường chinh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hồn núi sông hòa vào trong tiếng hát Tiến quân ca đã khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tiếp sức cho Đoàn quân Việt Nam vượt qua mọi gian nan, thử thách trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Điều quan trọng hơn, mỗi lần nghiêm trang hướng về lá cờ Tổ quốc và cùng hát vang trong giai điệu hùng hồn của Quốc ca Việt Nam là thêm một lần mỗi người chúng ta tự xích lại gần nhau, cùng xây dựng, bồi đắp cho chính mình lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, ý thức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

Ngày 29-10-2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 145/2013/NĐ-CP về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài; trong đó có quy định về việc đại biểu, người tham dự lễ chào cờ phải hát Quốc ca. Tuy nhiên, có một thực tế như Công văn số 2240-CV/BTGTU của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã nêu: "... Thời gian qua, việc thực hiện Nghị định ở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố đã có chuyển biến nhất định; tuy nhiên một số nơi khi thực hiện nghi thức chào cờ chỉ sử dụng bài Quốc ca (có lời hoặc nhạc) được ghi âm sẵn, đại biểu, người tham dự lễ không hát hoặc hát sai nhạc và lời...". Do vậy, "việc hát Quốc ca khi tiến hành nghi thức chào cờ cần được triển khai thường xuyên, nghiêm túc...".

Quốc ca là bài ca vĩ đại của cả dân tộc nên không thể thiếu trong ý thức, tâm hồn bất kỳ người yêu nước, dù ở quốc gia nào - phương Đông, hay phương Tây. Quốc ca Việt Nam là một trong những khái niệm mà nhờ đó, chúng ta có thể tự hào là người Việt Nam. Do vậy, đã là người Việt Nam không thể không nhớ, không thuộc và không hát Quốc ca Việt Nam. Nhưng, như trên đã nói, hát Quốc ca sẽ phát huy cao nhất tác dụng khi trở thành ý thức tự thân của mỗi người. Để hát Quốc ca không mang tính hình thức..., thì quan trọng nhất là tăng cường tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của lễ chào cờ, hát Quốc ca để mỗi người Việt Nam hiểu, thuộc và hát Quốc ca với tất cả tâm hồn, ý thức...

Hãy hát Quốc ca bằng trái tim mình, hãy tự bồi đắp cho chính mình niềm tự hào dân tộc, tình yêu đất nước, bởi một điều đơn giản, chúng ta là người Việt Nam!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bồi đắp lòng tự hào dân tộc!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.