Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải thực sự là ý dân!

Nữ Quỳnh| 29/05/2015 05:49

(HNM) - Sáng 28-5, dự luật Trưng cầu ý dân đã được Hội Luật gia Việt Nam trình ra kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIII. Đây là dự luật mới, nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng dân chủ trực tiếp, tạo điều kiện để nhân dân tham gia sâu hơn, có tính quyết định hơn đối với những vấn đề quan trọng của đất nước.

Chế định trưng cầu dân ý ở nước ta đã sớm được đưa vào trong bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946. Theo đó, Điều 21 quy định: "Những việc có quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba số nghị viên đồng ý". Tuy nhiên, cần khẳng định việc xây dựng văn bản luật đặc biệt này nhất thiết phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng. Hiện nay, trên thế giới có 167 quốc gia và vùng lãnh thổ có luật trưng cầu ý dân, nhiều nước đã và đang sử dụng trưng cầu ý dân như là một phương thức hữu hiệu trong hoạt động quản lý, điều hành đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền. Nhưng cũng không phải quốc gia nào đã có luật thì cũng đã thực hiện trưng cầu dân ý. Ngay ở Châu Á, nhiều nước như Nhật Bản, Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia... cũng chưa từng tổ chức trưng cầu ý dân.

Thực hiện trưng cầu dân ý tức là thực hiện hình thức dân chủ trực tiếp và hình thức này có nhiều ưu thế hơn so với dân chủ đại diện. Kết quả trưng cầu ý dân chính là thể hiện ý chí, nguyện vọng của đa số nhân dân, là sự thể hiện quyền dân chủ tuyệt đối của nhân dân. Thế nhưng, việc bỏ phiếu trưng cầu không giống như bỏ phiếu bầu cử hay như đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua văn kiện luật. Lấy ý kiến quốc dân đồng bào là cách thức thông qua một quyết sách mang tính đặc biệt, quan trọng hơn rất nhiều. Nhân dân là người đã trao quyền cho Nhà nước quản lý xã hội, nhưng trong một tình huống nào đó Nhà nước đã không đủ "thẩm quyền" quyết định và phải cần đến sự phán quyết trực tiếp của nhân dân. Thế nhưng, có thực tế khác là nhân dân, những người trực tiếp quyết định vấn đề cần trưng cầu, có không ít người lại không hẳn có trình độ, kiến thức hay sự hiểu biết một cách đồng đều, thậm chí một bộ phận nhân dân ở các khu vực khó khăn, dân trí thấp có thể còn không đủ khả năng tiếp nhận đúng và đánh giá đúng vấn đề cần trưng cầu. Tức là quyết định cuối cùng của họ có thể không phản ánh đúng nhất lựa chọn của họ.

Nhìn nhận vấn đề từ góc độ nêu trên không phải là để loại bỏ vai trò quyết định của đại đa số nhân dân trong các vấn đề quan trọng của đất nước. Điều đặt ra trong việc xây dựng luật là phải lường trước hết các vấn đề. Cần xác định rõ một loạt câu hỏi là: Khi nào thì trưng cầu ý dân; nội dung nào cần trưng cầu ý dân; ai được trưng cầu; ai quyết định vấn đề trưng cầu; ai công nhận kết quả, cách nào để kiểm soát việc lạm dụng đưa nội dung trưng cầu ý dân trái với Hiến pháp và pháp luật?...

Một vấn đề quan trọng nữa là khi trưng cầu ý dân thì kết quả đó phải thực sự chính là ý chí của nhân dân. Chính vì vậy luật phải quy định để việc trưng cầu ý dân không bị tác động, không bị vận động chống, hay ủng hộ đối với vấn đề đưa ra trưng cầu dân ý. Kết quả phải đúng ý dân, trúng ý dân. Nếu không quy định chặt chẽ sẽ rất nguy hiểm. Nói như Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, mặt tốt của trưng cầu ý dân là thể hiện quyền dân chủ trực tiếp, nhưng nếu quy định không khéo, chúng ta sẽ tự đẩy mình vào thế bất ổn, tự làm rối thêm tình hình…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải thực sự là ý dân!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.