Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần có "hàng rào kỹ thuật"

Thủy Tiên| 28/06/2015 05:57

(HNM) - Dư luận đang "nóng" lên vì bộ phim truyền hình dài lê thê "Cô dâu 8 tuổi" của Ấn Độ. Người chê tiết tấu phim dề dà chậm chạp, người cấp tiến cho rằng phim mang quan niệm "phong kiến" cổ hủ. Lại có người bảo phim xem cũng được, đâu đến nỗi nào.

Tuy nhiên, điều đáng nói là bộ phim dài gần 2.000 tập sẽ "ngồi" trên sóng của nhà đài phát phim này gần 3 năm nếu mỗi ngày họ phát sóng một tập. Như thế, phim truyền hình Việt Nam sẽ không có cơ hội đến với bạn xem đài vào khung giờ này trong 3 năm.

Từ nhiều năm nay, phim truyền hình dài tập của Hàn Quốc, Trung Quốc "hoành hành" trên các kênh sóng truyền hình, nhất là các đài địa phương và các kênh truyền hình cáp được xã hội hóa. Từ phim tâm lý xã hội, cổ trang đến dã sử, trinh thám, hành động phát trong khung "giờ vàng" và cả giờ khác, thậm chí có kênh phát "marathon", hết phim này chuyển sang phim khác. Có nhiều lý do, thứ nhất là rất nhiều đài địa phương, các kênh xã hội hóa không có kinh phí để sản xuất đủ chương trình lấp đầy thời gian nên phải phát phim truyền hình thế chỗ, mà phim thì lúc nào cũng có đơn vị nhập khẩu cung cấp. "Nhất cử lưỡng tiện" vừa có cái để lấp sóng trống không mất tiền lại có nguồn thu nếu phim đó có quảng cáo. Thứ hai là các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài sử dụng văn hóa nước họ, trong đó có phim ảnh làm thứ "quyền lực mềm" để quảng bá cho đất nước mình nên mua phim nước họ rồi đổi sóng lấy quảng cáo, có tiền thì đài nào, kênh nào nỡ từ chối. Điều này giải thích vì sao nhiều phim nước ngoài phát trên các khung "giờ vàng" chứ không phải phim sản xuất trong nước. Còn lý do khác khiến các nhà đài không muốn phát sóng phim truyền hình trong nước là chất lượng một số bộ phim còn thấp, chưa đáp ứng được thị hiếu thẩm mỹ ngày càng cao của công chúng.

Vẫn biết trong thế giới phẳng hiện nay và Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới thì vấn đề giao lưu, trao đổi văn hóa là cần thiết. Tuy nhiên, hội nhập sâu rộng không có nghĩa là cho các sản phẩm nghệ thuật kém chất lượng, thẩm mỹ không phù hợp với phong tục tập quán du nhập vào Việt Nam. Thực tế, chúng ta quá dễ dãi trong nhập khẩu phim truyền hình, dẫn đến việc phát sóng tràn lan phim truyền hình nước ngoài đã và đang gây ra khó khăn cho ngành công nghiệp phim truyền hình non trẻ trong nước. Thực tế, nhiều hãng quốc nội phải bỏ cuộc vì không cạnh tranh nổi với các nhà sản xuất phim nước ngoài. Hậu quả là tác giả kịch bản nhọc nhằn viết xong mấy chục tập đành bỏ ngăn kéo; đạo diễn, quay phim, diễn viên, họa sĩ thiết kế mỹ thuật không có cơ hội làm phim và kéo theo đó dịch vụ hỗ trợ cũng ế ẩm. Khi nghệ sĩ không có nhiều cơ hội sáng tạo thì nói gì đến phát triển và vươn ra thế giới. Phim truyền hình nước ngoài hoành hành đã dẫn đến một bộ phận khán giả trong nước có quan niệm lệch lạc về thời trang, về cái đẹp và thẩm mỹ thưởng thức nghệ thuật. Lại có khán giả thần tượng thái quá một số diễn viên ngoại dẫn đến những hành động và phát ngôn cực đoan, gây sốc trong xã hội, khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Tình trạng dễ dãi trong quản lý, nhập khẩu sản phẩm văn hóa, trong đó có phim truyền hình đã ở góc độ nào đó tác động không tốt đến việc thực hiện các chủ trương, chính sách về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đã đến lúc cần thiết phải xây dựng "hàng rào kỹ thuật" để bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất phim truyền hình non trẻ trong nước, đồng thời phải có chính sách phát triển ngành này thông qua các quỹ văn hóa và hỗ trợ bằng các giải pháp tài chính đủ mạnh. Song song với chính sách thì các hãng phim trong nước cũng phải vươn lên mạnh mẽ để sáng tạo ra nhiều phim hay, có chất lượng, còn nếu không thì mở truyền hình sẽ lại thấy "Cô dâu 8 tuổi"…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có "hàng rào kỹ thuật"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.