Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Nóng"… việc quản lý bể bơi!

Bình Nguyên| 29/06/2015 06:58

(HNM) - Mùa hè, đặc biệt vào những thời điểm nắng nóng hoành hành như mấy hôm trở lại đây, các bể bơi trên địa bàn Hà Nội thường xuyên trong tình trạng quá tải. Tại hầu hết bể bơi, trong các khung

Bể bơi quá tải tất yếu dẫn đến không bảo đảm vệ sinh, thậm chí có thể ảnh hưởng cả việc duy trì, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, đặc biệt là cứu hộ. Ở đây, có nhiều câu hỏi được đặt ra là: Cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của hệ thống bể bơi? Các bể bơi trên địa bàn Hà Nội có bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh trong quá trình hoạt động, nhất là khi với nhu cầu tăng cao, hầu hết bể bơi chỉ biết "xé vé" vào bể mà bỏ qua việc đáp ứng chất lượng dịch vụ?

Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 130 bể bơi với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Giá vé tương đối đa dạng, ở mức rẻ chỉ từ 15.000 đồng đến 40.000 đồng/lượt; mức trung bình dao động quanh ngưỡng 70.000 - 100.000 đồng/lượt; cao cấp có thể lên tới 200.000 đồng/lượt. Nhiều bể trong số này thuộc các trung tâm thể dục thể thao, tuy nhiên đa số hoạt động theo hình thức xã hội hóa do tư nhân đầu tư, quản lý; một số nằm trong khách sạn hoặc khu đô thị cao cấp… Nhu cầu bơi lội với việc xem đây không chỉ như một loại hình thể thao rèn luyện sức khỏe mà còn để giải tỏa cái nóng gay gắt mùa hè của người dân là rất lớn. Nhu cầu này không chỉ thể hiện ở thực tế hầu hết bể bơi quá tải mà còn có thể thấy qua cảnh tượng nhiều sông, hồ trên địa bàn Hà Nội đã trở thành những bãi tắm lý tưởng đối với không ít người như ở Hồ Tây, bãi giữa Sông Hồng, hồ Linh Đàm… Trên thực tế, bể bơi là nơi có thể dẫn tới nhiều nguy cơ phát tán các bệnh truyền nhiễm gây hại về sức khỏe như bị các bệnh da liễu, bệnh về mắt, tai - mũi - họng, đặc biệt là bệnh đường hô hấp… Và thực tế, không ít người đi bơi ở bể - từ bể có giá bình dân đến bể bán vé vào cửa tương đối đắt - bị mẩn ngứa, đau mắt… Vấn đề ở chỗ không như những "bể bơi tự nhiên", để hoạt động, các bể bơi nêu trên không chỉ phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật cũng như các tiêu chí vệ sinh mà còn là một loại dịch vụ.

Theo Thông tư 14/2014/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2011/TT-BVHTTDL quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn), nước bể bơi phải đáp ứng được mức giới hạn các chỉ tiêu chất lượng nước sinh hoạt áp dụng đối với các hình thức khai thác nước của cá nhân, hộ gia đình phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt (QCVN 02:2009/BYT). Các chỉ tiêu chất lượng nước bể bơi phải được kiểm tra, giám sát theo quy định. Đồng thời, về mật độ, mỗi mét vuông mặt nước khu vực nông (độ sâu dưới 1,0m) chỉ được có tối đa 1 người/m2 hoặc 1 người/2m2 ở khu vực nước sâu (từ 1,0m trở lên). Các bể bơi cũng phải bảo đảm các quy định về thời gian hoạt động, vệ sinh, môi trường, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ…

Quy định chặt chẽ như vậy nhưng thực tế nêu trên lại cho thấy tình trạng hoàn toàn trái ngược mặc dù cũng theo Thông tư 14, Thanh tra ngành văn hóa, thể thao & du lịch có trách nhiệm, thẩm quyền phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Phải chăng việc quản lý hoạt động của hệ thống bể bơi - với hàng chục nghìn lượt khách mỗi ngày đang bị thả nổi? Lỗ hổng này đang tạo ra nhiều rủi ro đối với sức khỏe người dân mà còn dung dưỡng lối làm ăn chụp giật, không tuân thủ quy định quản lý của cá nhân, đơn vị chủ quản các bể bơi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Nóng"… việc quản lý bể bơi!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.