Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết tâm bằng… hành động

Thái Sơn| 30/06/2015 05:14

(HNM) - Tại hội nghị giao ban trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương sáng 29-6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định: "Vừa qua chúng ta cũng đã có một số kinh nghiệm, khi chỉ rõ hạn chế, yếu kém, quyết tâm làm là có chuyển biến rất tích cực mà cả xã hội, nhân dân đều hoan nghênh, đồng tình. Ví dụ việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, con số báo cáo chứng tỏ chúng ta hoàn toàn có thể làm được".

Thủ tướng Chính phủ dẫn chứng: "Tôi mới xem thống kê, Việt Nam là quốc gia có bình quân sử dụng internet cao hơn các nước trong khu vực và thế giới, điều đó rất đáng mừng. Trước đây chúng ta thu thuế, giờ có nộp thuế qua mạng tiện biết bao nhiêu. Đến tháng 9 này có thể có 90% nộp thuế qua mạng. Từ việc xách một bao tiền đi xếp hàng chờ nộp thuế giờ chỉ phải nộp thuế qua mạng, mà 90% được như thế thì đỡ bao nhiêu công sức cho người dân, cho doanh nghiệp, tiết kiệm cho xã hội này được bao nhiêu".

Xin dừng câu chuyện ở đây để xem xét một khía cạnh khác. Ngày 25-6 vừa rồi, tại "Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam 2015" tổ chức tại Hà Nội, theo nhiều thống kê, công nghệ thông tin (CNTT) trong năm qua đã kế tiếp sự phát triển trước đó với tốc độ tăng trưởng là 16%. Việt Nam là một trong 5 nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới về CNTT. Tuy nhiên, bên cạnh những con số đáng mừng đó, theo bảng xếp hạng chính phủ điện tử của Liên hợp quốc công bố năm 2014, thì Việt Nam tụt 19 bậc và đứng ở vị trí 99, trong đó đáng quan tâm nhất là sự phát triển dịch vụ công điện tử của chúng ta bị đánh giá còn chậm. Cụ thể, Việt Nam có trên 104 nghìn dịch vụ công, thì dịch vụ công cấp 1 và 2 là trên 101 nghìn, cấp số 3 là 2.366 và cấp 4 chỉ có 111 (mức độ 4 là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến, việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng).

Tại sao như vậy?

Trên thực tế, thời gian qua Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong hoàn thiện cơ chế, chính sách để thực hiện các mục tiêu chiến lược về phát triển CNTT. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét: "CNTT là một công cụ kỳ diệu của nhân loại không thể không sử dụng. Những việc khác có thể làm từ từ chậm lại 1 năm, 1 tháng, nhưng với tốc độ phát triển của CNTT nếu chúng ta nhỡ 1 ngày, 1 tuần thì có khi chậm hơn người khác cả năm". Do đó, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là phải đổi mới mạnh mẽ với các tiêu chí là minh bạch, cụ thể và có lộ trình mang tính bắt buộc. Cùng với đó, Chính phủ cũng đã đưa ra các quy định về thuê ngoài dịch vụ CNTT, ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực liên quan đến nhiều người dân như y tế, bảo hiểm, giáo dục, giao thông, thuế… Lấy ví dụ, Bảo hiểm y tế đang chi trả khoảng 50.000 tỷ đồng/năm, chỉ cần một vài phần trăm trong số này thất thoát vì không ứng dụng CNTT thì thiệt hại là không nhỏ. Lợi đã thấy rõ và không phải chúng ta không làm, nhưng rõ ràng là còn chậm, nếu không muốn nói là… quá chậm, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Xin trở lại với nhận định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị giao ban trực tuyến của Chính phủ và móc nối với câu chuyện nêu trên để thấy, chiến lược cụ thể về phát triển CNTT đã có nhưng vấn đề là tổ chức thực hiện; là trách nhiệm của các cấp, ngành và từng cá nhân, nhất là người đứng đầu; là kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc… Nếu các ngành, các cấp và từng cá nhân có quyết tâm, chắc chắn sẽ có chuyển biến tích cực. Vấn đề là không thể chỉ… quyết tâm bằng… lời nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm bằng… hành động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.