Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đừng thêm những vệt hằn lún…

Nguyễn Đức| 01/07/2015 05:44

(HNM) - Hiện tượng hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường xảy ra do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng vừa khai thác trong thời gian ngắn đã xuất hiện hằn lún thì yếu tố chủ quan nhiều hơn. Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông đã thẳng thắn đánh giá như vậy tại hội nghị trao đổi kinh nghiệm thiết kế, thi công, quản lý, xử lý hiện tượng hằn lún vệt bánh xe diễn ra ngày 30-6, tại Hà Nội.

Hiện tượng hằn lún vệt bánh xe trên đường đã diễn ra nhiều năm, xảy ra trên nhiều tuyến giao thông khắp cả nước. Thậm chí, tại nhiều dự án lớn, quan trọng ngay tại các thành phố lớn cũng xảy ra hiện tượng này dù thời gian khai thác, sử dụng chưa lâu. Mỗi khi xảy ra sự cố, cơ quan báo chí truyền thông phản ánh, các cơ quan, đơn vị liên quan lập tức đưa ra nhiều lý do, bằng chứng, lập luận chứng tỏ sự vô can của mình. Nhưng, lý do thường được viện dẫn nhiều nhất là thời tiết (thường là nắng nóng) và xe quá tải lưu thông. Và rồi, sau một hồi tranh cãi, biện minh, đơn vị liên quan tổ chức khắc phục tạm thời, đâu lại vào đó. Mặt đường không bảo đảm độ bằng phẳng không chỉ ảnh hưởng tới khả năng lưu thông mà còn đe dọa an toàn giao thông. Việc xác định chính xác nguyên nhân, từ đó có biện pháp khắc phục triệt để, vì thế, vô cùng quan trọng.

Thi công cầu đường là một ngành khá đặc thù, đòi hỏi chuyên môn sâu. Để thực hiện một dự án, phải trải qua nhiều khâu từ lập dự án, thiết kế, thi công, giám sát… vô cùng chặt chẽ, đòi hỏi đáp ứng các bộ tiêu chuẩn phù hợp với quy mô từng dự án. Vậy tại sao còn xảy ra hiện tượng vừa khai thác đã bị… hằn lún? Theo Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GT-VT) Hoàng Hà: Hiện tượng hằn lún vệt bánh xe còn tồn tại có nguyên nhân về thiết kế, công tác quản lý chất lượng bê tông nhựa chưa tốt, chưa đúng yêu cầu; một số đoạn khó khăn về giải phóng mặt bằng, thi công gần nhà dân… Các dự án xuất hiện vệt hằn lún bánh xe do không tuân thủ các quy định của Bộ GT-VT về việc tập trung ít nhất 70% khối lượng vật liệu trước khi thí nghiệm, thiết kế cấp phối và rải thử trước khi thi công đại trà. Điều này dẫn tới chất lượng vật liệu không bảo đảm độ đồng đều, thống nhất, dẫn tới kém chất lượng…

Đúng là cũng có nguyên nhân khách quan do thời tiết, do xe quá tải, vừa thi công vừa bảo đảm giao thông… nhưng việc xác định "lỗi" chủ quan, từ đó khắc phục triệt để có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để bảo đảm chất lượng công trình. Theo Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông: Người dân hết sức quan tâm đến hiện tượng hằn lún mặt đường và để xảy ra tình trạng này ảnh hưởng đến uy tín ngành cầu, đường. Đúng là người dân hết sức quan tâm. Từ đó, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư, giám sát, thiết kế, thi công phải ý thức rõ trách nhiệm, đạo đức, uy tín, danh dự nghề nghiệp. Như đã phân tích, để thi công một dự án giao thông, đòi hỏi phải qua nhiều công đoạn, giám sát chặt chẽ. Chất lượng không bảo đảm, rõ ràng là "có chuyện" trong quá trình thực hiện. Tại sao không tuân thủ quy định vẫn thi công, cả hệ thống giám sát thi công sao chất lượng vật liệu không bảo đảm, không đồng đều…? Không khó để trả lời.

Người xưa đã dạy "tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Khi và chỉ khi thực hiện hết trách nhiệm mới bảo đảm chất lượng công trình, để những vết hằn lún không còn xuất hiện trên các tuyến đường, làm suy giảm uy tín nghề nghiệp cũng như lòng tin của người dân. Thông tin đáng mừng là, trong năm 2014, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GT-VT, chất lượng bê tông nhựa mặt đường đã được cải thiện rất nhiều. Hy vọng, sự quyết liệt và kết quả đó tiếp tục được duy trì, tăng cường trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng thêm những vệt hằn lún…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.