Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng tầm ảnh hưởng của cái hay, cái đúng, cái đẹp

Dục Tú| 26/07/2015 06:25

(HNM) - Giữa tuần qua, tại TP Vũng Tàu diễn ra hội nghị về báo chí văn nghệ toàn quốc, chủ yếu là để đánh giá thực trạng, thế mạnh cũng như thách thức mà thể loại báo chí này phải đối mặt trong giai đoạn hiện nay.

Những đánh giá về báo chí văn nghệ đã được tổng hợp lại, trong đó, đáng chú ý là sáng tác và lý luận - phê bình chưa tương xứng nhau, đội ngũ không chỉ mỏng về lượng mà còn yếu về chất nên chưa đáp ứng được đòi hỏi ngày càng đa dạng của công chúng. Sự hạn chế đó dĩ nhiên là không có lợi cho việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay.

Đánh giá chung cho thấy, trong thời gian qua, báo chí văn nghệ là một bộ phận không tách rời của báo chí cách mạng, luôn bám sát tôn chỉ mục đích, định hướng tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng về văn học nghệ thuật, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy vậy, có thể thấy sức ảnh hưởng của báo chí văn nghệ đối với đời sống có sự hạn chế nhất định dù số cơ quan báo chí về văn học, nghệ thuật chiếm khoảng 10% số lượng cơ quan báo chí cả nước. Câu hỏi đặt ra là vì sao khả năng định hướng xã hội về các vấn đề liên quan đến văn học nghệ thuật của báo văn nghệ còn hạn chế, thể hiện ở chỗ có lúc chưa tạo ra tiếng nói quyết định nhằm tạo cơ sở cho sự hình thành nhận thức chung trước những vấn đề còn gây tranh cãi?

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng nói trên, từ khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ; thói quen đọc của người dân thay đổi và khả năng tác động của mạng xã hội đã phần nào ảnh hưởng tới báo in cũng như báo điện tử, trong đó có báo về văn nghệ. Tuy nhiên, cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng báo chí văn nghệ nói chung và các ấn phẩm thông tin tổng hợp có chuyên mục về văn học nghệ thuật chưa có bước chuyển phù hợp trong điều kiện hiện nay, cả về nội dung và hình thức thông tin. Nhiều bài viết trên các chuyên mục văn nghệ của báo in, điện tử, dù là giới thiệu tác phẩm văn nghệ đơn thuần hay mang hơi hướng phê bình thể hiện sự hạn chế về chuyên môn văn nghệ của người viết. Đã có hiện tượng nhiều bài viết na ná nhau về một tác phẩm mới; dựa trên "thông cáo báo chí" được gửi tới để giới thiệu mà không cần đọc, xem tác phẩm hay dở thế nào. Trong bối cảnh đó, các bài viết về văn nghệ trên tạp chí chuyên ngành đáng được giới thiệu rộng rãi bởi là nơi tập hợp các cây bút có hiểu biết về văn nghệ tốt hơn, nhưng nghịch lý là chính những tác phẩm đáng đọc đó lại có "diện phủ sóng" rất hạn chế, thể hiện ở chỗ số lượng phát hành thường chỉ một, hai nghìn bản/kỳ.

Muốn báo chí viết về văn nghệ thể hiện sức mạnh dẫn dắt độc giả, giúp bạn đọc định hướng đúng về giá trị đích thực của tác phẩm nghệ thuật, văn học thì điều đầu tiên cần có là nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí viết về văn nghệ và mở rộng tầm ảnh hưởng của những ấn phẩm đã rõ sức thuyết phục. Về lâu dài, cần phải có giải pháp tốt hơn cho việc đào tạo đội ngũ viết về văn nghệ, nhất là với những cây viết ở cơ quan báo không chuyên về văn nghệ nhưng có tầm ảnh hưởng rộng lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng tầm ảnh hưởng của cái hay, cái đúng, cái đẹp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.