Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đạo lý và trách nhiệm

Nguyễn Đức| 27/07/2015 05:57

(HNM) - Những ngày này, khắp cả nước diễn ra hàng loạt hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ; thương, bệnh binh, người có công trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đem lại cuộc sống hòa bình, no ấm cho nhân dân.



Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TP Hà Nội đã trực tiếp đến thăm hỏi, tặng quà các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Trước đó, từ đầu tháng 7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký ban hành Quyết định số 1382/QĐ-CTN về việc tặng quà nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ. TP Hà Nội cũng có Quyết định số 3276/QĐ-UBND về tặng quà cho thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với hai mức gồm 500 nghìn đồng/suất và 300 nghìn đồng/suất. Đây là những việc làm nghĩa tình, thể hiện đạo lý truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta.

Những cuộc chiến tranh liên miên trong thế kỷ XX là những bản hùng ca thể hiện ý chí quật cường, khát vọng hòa bình độc lập của dân tộc Việt Nam, nhưng cũng đã để lại nhiều đau thương, mất mát. Hiếm có đất nước mà địa phương nào cũng có nghĩa trang liệt sĩ, cũng có thương binh, bệnh binh. Và trách nhiệm của thế hệ người Việt hôm nay là khắc ghi lịch sử, khắc ghi công lao to lớn của các bậc tiền nhân, từ đó, cống hiến xây dựng đất nước phồn vinh. Đảng, Nhà nước luôn xác định việc chăm lo chu đáo thương binh, liệt sĩ, người có công là trách nhiệm thường xuyên, liên tục, thể hiện đạo lý truyền thống của dân tộc ta. Hàng loạt cơ chế, chính sách được ban hành mà cao nhất là Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (được Quốc hội thông qua năm 2005) và được sửa đổi, bổ sung vào năm 2012; Nghị định 31/2013/NQ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng… Tuy nhiên, hậu quả tàn khốc chiến tranh để lại không dễ khắc phục, bù đắp. Nhiều người có công vẫn chưa được hưởng chế độ ưu đãi, nhất là với những người không có hồ sơ gốc, trải qua năm tháng không tìm được đồng đội để xác nhận những đóng góp, hy sinh cho đất nước.

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 23/CT-TTg về "Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong hai năm 2014-2015". Trên tinh thần đó, Bộ LĐ,TB&XH cùng Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ký chương trình phối hợp triển khai thực hiện chỉ thị, ban hành hướng dẫn cho các tỉnh, thành phố rà soát. Sau gần hai năm thực hiện, có 61/63 tỉnh, thành phố đã báo cáo, đã rà soát gần 2 triệu người có công và hơn 96% đã hưởng đúng chính sách. Các cơ quan chức năng đã xác nhận, giải quyết chế độ ưu đãi đối với gần 10.000 trường hợp và kiểm tra, kết luận gần 20.000 trường hợp không đủ điều kiện hưởng ưu đãi. Với đối tượng hưởng sai chính sách, đã dừng thực hiện chế độ ưu đãi đối với 657 trường hợp; xác minh thận trọng đối với 2.011 trường hợp trước khi ra quyết định xử lý…

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, cả nước có khoảng 1 triệu liệt sĩ; 800 nghìn thương, bệnh binh. Chính vì vậy, đội ngũ làm chính sách với người có công, bên cạnh công tác tham mưu thì việc theo dõi thực hiện chính sách cũng phải đạt hiệu quả cao nhất. Chính sách với người có công cần được thực hiện đồng bộ và liên tục rà soát để bảo đảm không để sót đối tượng. Rõ ràng, đây là công việc khó, nặng nề. Đó là trách nhiệm, thể hiện đạo lý dân tộc và đòi hỏi không chỉ những người làm công tác này mà mỗi người chúng ta hãy nỗ lực bằng những hành động thiết thực ngay trong cuộc sống hằng ngày chứ không chỉ trong dịp kỷ niệm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đạo lý và trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.