Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tai họa không từ trên trời rơi xuống!

Thế Phương| 30/07/2015 06:02

(HNM) - Mưa lớn không còn dồn dập đổ xuống các thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, các huyện đảo Vân Đồn, Cô Tô... nhưng với người dân Quảng Ninh, phía trước vẫn là những khó khăn chồng chất.


Trận mưa lịch sử kéo dài 3 ngày đổ xuống vùng đất vốn được thiên nhiên ưu đãi (có rừng núi, có biển đảo và rất giàu tài nguyên) đã cướp đi sinh mạng của 18 người, làm 6 người mất tích, thiệt hại vật chất ước tính lên tới 1.000 tỷ đồng... Trong ngày hôm qua, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã có công điện khẩn cấp gửi các địa phương và ngành than, yêu cầu: Kiểm tra một cách chi tiết về nguy cơ sạt lở đất ở những vùng xung yếu, di dời người dân ra khỏi các vùng bị chia cắt, khơi thông các dòng chảy... Và trước đó, thi thể cuối cùng trong vụ sạt lở đất gây sập nhà ở thành phố Hạ Long làm 9 người bị vùi lấp đã được tìm thấy... Việc khắc phục hậu quả mưa lũ tiếp tục được triển khai với nhiều nỗ lực.

Có thể trong ý nghĩ của nhiều người Quảng Ninh, cơn mưa có lượng nước lớn nhất trong vòng 40 năm qua là tai họa từ trên trời rơi xuống, nhưng ở một khía cạnh khác, đây không phải là một thảm họa bất ngờ. Bởi lẽ, biến đổi khí hậu với những hiện tượng thời tiết bất thường, cực đoan, nguy hiểm như mưa nhiều, mưa lớn bất thường, bão mạnh với đường đi kỳ dị, lũ quét, sạt lở đất... đã diễn ra thường xuyên trong những năm gần đây. Thêm nữa, báo chí truyền thông đã không ít lần cảnh báo về nguy cơ ngập lụt đối với các thành phố ven biển khi xuất hiện các hình thái thời tiết cực đoan như mưa lớn, mực nước biển tăng... Vấn đề là trong tiềm thức nhiều người, nắng mưa vẫn "chuyện của trời", mưa bão vào nhà hàng xóm, chưa đụng đến nhà mình thì vẫn "bình chân như vại".

Chuyện vỡ đập chứa xỉ than của Công ty cổ phần Than Cao Sơn và Công ty cổ phần Than Cọc 6 trong những ngày mưa lớn vừa qua cho thấy, tai họa vẫn đang rình rập. Khi rừng đã bị đốn hạ, lo ngại về việc những hầm lò ngang dọc trong lòng đồi núi có thể biến thành những túi nước rồi đổ xuống các khu dân cư đông đúc mỗi khi có mưa lớn - trong nhiều người dân Quảng Ninh - không phải là không có cơ sở. Thêm nữa, những đô thị ven biển được dựng lên với một tốc độ chóng mặt đã làm gia tăng nhanh chóng diện tích bề mặt ít thấm, làm xuất hiện nhiều dòng chảy... Và ở nhiều nơi, nhà cao tầng đã trở thành những bức tường ngăn cản sự thoát nước tự nhiên. Khi nước biển dâng, cường độ mưa lớn, dòng chảy nhiều... những hệ thống thoát nước đô thị không đủ sức ứng phó.

Trận mưa lịch sử vừa qua ở Quảng Ninh thêm một lần cho thấy, biến đổi khí hậu tác động ngày càng nhiều đến các vùng miền trên đất nước. Và hoàn toàn có thể nói rằng: Tiến trình đô thị hóa thiếu bền vững và biến đổi khí hậu là hai thách thức mà nhiều thành phố, đặc biệt là các thành phố ven biển đang phải đối mặt. Thờ ơ với biến đổi khí hậu không chỉ là sự "phản bội thế hệ tương lai" mà còn khiến nền kinh tế và mỗi người dân phải trả giá. Và thực tế, nhiều địa phương đã phải trả giá rất đắt về sinh mạng và tài sản. Do vậy, các chương trình phòng chống biến đổi khí hậu không thể chạy lòng vòng trong các ngăn kéo tủ hoặc các diễn đàn mà phải trở thành hành động thực tế trên từng lĩnh vực cụ thể như quy hoạch đô thị, khai thác tài nguyên...

Những nghiên cứu gần đây cho thấy: Việt Nam là một quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới do sự biến đổi khí hậu. Nếu tiếp tục tư duy theo kiểu "nắng mưa là chuyện của trời", nếu không chủ động ứng phó, khi thiên tai ập xuống, dù nỗ lực bao nhiêu cũng chỉ là... khắc phục hậu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tai họa không từ trên trời rơi xuống!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.