Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không quản lý chặt, hậu quả khôn lường

Thủy Tiên| 02/08/2015 07:21

(HNM) - Từ ngày 1-8 đến 15-8-2015, cơ quan chức năng sẽ tiến hành thu hồi khoảng 2.100 loại mỹ phẩm nhập khẩu và 143 sản phẩm trong nước chứa 5 loại paraben có nguy cơ gây hại đối với sức khỏe con người.


Quyết định này của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) không phải là hồi chuông cảnh báo đầu tiên cho người tiêu dùng về thị trường mỹ phẩm Việt Nam mà nó phát đi tín hiệu SOS vì thị trường này đã có vấn đề từ lâu, đã và đang tác động không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng, nhất là phụ nữ.

Dù thỉnh thoảng cơ quan quản lý thị trường công bố thu giữ một lượng mỹ phẩm lớn không rõ nguồn gốc xuất xứ đang trên đường vận chuyển hay tại kho chứa nào đó thì số hàng hóa đó cũng chỉ là hạt cát trong khối lượng mỹ phẩm đang bày bán đàng hoàng, công khai tại nhiều cửa hàng ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, thậm chí ở cả những chợ quê hẻo lánh.

Và không cần phải đem đi kiểm tra phân tích, một người bình thường cũng biết nó là hàng nhái, hàng giả vì không có thỏi son hay hộp phấn, lọ sữa dưỡng da do những hãng nổi tiếng thế giới sản xuất mà giá bán rẻ như bèo. Một lượng lớn mỹ phẩm giả, nhái, kém chất lượng, mỹ phẩm gây nguy hại sức khỏe được sản xuất từ nước ngoài rồi bằng nhiều cách khác nhau, những kẻ buôn lậu đã tuồn vào Việt Nam. Trong nước cũng có cơ sở làm nhái làm giả, họ lén lút đưa ra thị trường tiêu thụ, thậm chí có cơ sở còn thiết lập được đường dây phân phối về tận các chợ quê.

Thị trường mỹ phẩm đáng báo động rõ ràng là do cung cách quản lý có vấn đề. Quản lý mặt hàng này hiện do hai bộ đảm nhiệm. Bộ Y tế thì quản lý về chất lượng sản phẩm còn Bộ Công thương thì quản lý về những vấn đề liên quan đến hàng lậu, hàng rởm… Dù mỹ phẩm là hàng hóa tác động trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng nhưng cơ quan chức năng lại quản lý theo kiểu hậu kiểm, tức là để nhà sản xuất, nhà nhập khẩu tự báo cáo chất lượng.

Cơ quan chức năng lấy mẫu rồi đưa đi kiểm tra, phân tích và nếu phát hiện ra sản phẩm nào đó sử dụng hóa chất quá quy định thì ra quyết định cấm lưu hành, thu hồi. Trong khi đó, sản phẩm đã tung ra thị trường, một bộ phận người tiêu dùng đã sử dụng. Mặt khác, liệu cơ quan chức năng có hậu kiểm hết hàng nghìn sản phẩm đủ loại trên thị trường?

Dù đơn vị quản lý thị trường có nhiều cố gắng nhưng nhìn mỹ phẩm bán mớ bán nắm trên vỉa hè, tại các chợ cóc cũng đủ biết hàng lậu qua mặt họ. Và có thể do lực lượng mỏng như họ vẫn kêu lâu nay, nhưng cũng không loại trừ có cá nhân tiếp tay cho buôn lậu. Cũng hiếm khi thấy đơn vị quản lý này bắt những người bán lẻ dù họ biết chắc đó là hàng nhái, hàng giả. Bên cạnh sự bất cập trong quản lý thì dù các quy định pháp luật hiện hành về hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có rất nhiều, nhưng lại trùng lắp, chồng chéo, khó thực hiện.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 185/2013/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đó là công cụ cho các cơ quan chức năng, tuy nhiên chế tài xử phạt hành chính chưa đủ sức răn đe. Mặt khác, mỹ phẩm là sản phẩm sử dụng hóa chất, nếu vượt quá tỷ lệ cho phép có thể gây hại sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng nhưng vẫn chỉ coi là hành vi dân sự nên kẻ vi phạm nhờn luật.

Với người tiêu dùng rất khó phát hiện mỹ phẩm họ mua là thật hay giả, có nguy hiểm đến sức khỏe hay không. Chỉ khi sử dụng rồi bị ảnh hưởng đến sức khỏe, nhan sắc... thì chuyện đã muộn. Do vậy, rất cần thiết phải xem xét lại cung cách quản lý, bỏ chế độ hậu kiểm, kiểm tra chất lượng rồi mới cấp phép cho lưu hành trên thị trường. Hai bộ đồng chủ quản cũng cần phối hợp chặt chẽ để ngăn chặn hiệu quả mỹ phẩm giả, nhái, mỹ phẩm gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Khó cũng phải làm vì không quản lý chặt, hậu quả khôn lường. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không quản lý chặt, hậu quả khôn lường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.