Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sử dụng người tài: Không chỉ là biệt đãi…

Dục Tú| 24/08/2015 06:40

(HNM) - Hôm qua 23-8, Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động nhằm vinh danh, động viên thủ khoa xuất sắc của các trường đại học, học viện trên địa bàn. Đó là việc làm thiết thực, cần thiết, có ý nghĩa hiện thực hóa quan điểm của lãnh đạo TP Hà Nội về phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài được triển khai từ nhiều năm nay, dựa trên chủ trương thu hút, trọng dụng nhân tài của Đảng, Nhà nước.


Chủ trương đó đã được cụ thể hóa bằng những mục tiêu cụ thể, được thể hiện tại Kết luận số 86 ngày 24-1-2014 của Bộ Chính trị về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ, trong đó có mục tiêu "phấn đấu đến năm 2020 thu hút ít nhất 1.000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ vào các lĩnh vực công tác của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp huyện; các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang và doanh nghiệp nhà nước".

Tại Việt Nam, mục tiêu trọng dụng nhân tài được thể hiện thống nhất từ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và kế hoạch hành động của các địa phương, dựa trên điều kiện cụ thể của từng nơi. Chủ trương lớn và hành động triển khai cụ thể trong lĩnh vực này đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp, phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH, đổi mới, hội nhập quốc tế, phát triển đất nước. Hơn chục năm qua, với Hà Nội, đã có hơn 1.300 thủ khoa đại học, học viện đã được UBND TP Hà Nội vinh danh, trao bằng khen và cùng với đó là cơ hội tuyển dụng đặc cách vào các cơ quan của thành phố kèm chế độ đãi ngộ thỏa đáng trong điều kiện hiện nay. Sự hiệu quả trong việc triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về thu hút, trọng dụng nhân tài còn có thể nhận ra tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và nhiều địa phương khác.

Niềm vui của các thủ khoa tại lễ tuyên dương


Tuy vậy, công tác phát hiện, thu hút, đãi ngộ, sử dụng nhân tài có thể và cần được thực hiện hiệu quả hơn; cần khắc phục một số hạn chế trong việc sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng nhằm phát triển nhân tài. Nói vậy là bởi, như đánh giá tình hình thực tiễn được nêu tại Kết luận số 86 của Bộ Chính trị: Một số thu hút được (nhân tài) thì còn lúng túng, bị động trong bố trí, sử dụng; có nơi còn tư tưởng hẹp hòi, định kiến, không mạnh dạn đề bạt cán bộ trẻ, dẫn tới cán bộ không yên tâm công tác, không phát huy được hết năng lực, gây lãng phí nguồn lực và làm phát sinh dư luận không tốt về chủ trương sử dụng nhân tài của Đảng và Nhà nước.

Thực tế cho thấy, sử dụng chế độ biệt đãi đối với nhân tài là cần thiết, nhưng chưa đủ để tạo ra sức hút bền vững. Điều quan trọng là cần có chính sách sử dụng hiệu quả, có kế hoạch bồi dưỡng nhân tài, tạo niềm tin về cơ hội thăng tiến nghề nghiệp được thực hiện một cách khách quan, công bằng dựa trên tiêu chí về mức độ đóng góp, đạo đức và thực tài. Hơn nữa, kế hoạch thu hút, trọng dụng nhân tài phải đi liền với kế hoạch cụ thể về nguồn nhân lực ở từng nơi, hình thành môi trường cạnh tranh tích cực nhằm tạo động lực vươn lên một cách lành mạnh cho các tài năng trẻ. Trên cơ sở hình thành chế độ đãi ngộ thỏa đáng và bộ tiêu chí đánh giá năng lực, khả năng phát triển, quá trình đào tạo bồi dưỡng nhân tài, cần có quy trình sàng lọc, điều chuyển mục tiêu sử dụng đối với những người không có ý thức vươn lên hoặc vi phạm thỏa thuận giữa tài năng trẻ và phía sử dụng họ. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng người tài: Không chỉ là biệt đãi…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.