Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể "mạnh ai, nấy làm"… quy hoạch

Thái Sơn| 25/08/2015 06:08

(HNM) - Dưới sự chủ trì của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, sáng 24-8, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo quốc tế "Xây dựng dự án Luật Quy hoạch - kinh nghiệm quốc tế và sự lựa chọn cho Việt Nam".

Theo báo cáo của Vụ Quản lý quy hoạch thuộc Bộ KH-ĐT, trong giai đoạn 2011-2020 có 19.285 quy hoạch các loại được các bộ, ngành xây dựng, trong đó có cả những quy hoạch ở cấp quốc gia và những quy hoạch do các địa phương, từ tỉnh, thành phố đến các quận, huyện xây dựng. Như vậy, sự chưa thống nhất và không đồng bộ trong quy hoạch đối với từng vấn đề, lĩnh vực là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, nhiều quy hoạch được lập ra song không sát với thực tế, thiếu tính khả thi, không phù hợp, thậm chí còn là "lực cản" đối với sự phát triển. Cùng với đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch tuy ban hành nhiều nhưng thiếu đồng bộ, thống nhất, còn bộc lộ những khiếm khuyết, đặc biệt trong quy định giám sát triển khai quy hoạch, đánh giá quy hoạch và phân công trách nhiệm cho cơ quan thực hiện quy hoạch…

Nhận xét về vấn đề quy hoạch hiện nay, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nêu rõ: Chất lượng quy hoạch thấp, không đáp ứng với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện, gây lãng phí nguồn lực của đất nước. Các loại quy hoạch thiếu gắn kết, không thống nhất và còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn làm giảm hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch. Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch bị buông lỏng, hệ thống quản lý quy hoạch chưa rõ ràng, thiếu tính phối hợp giữa các bộ, ngành với nhau; hoặc giữa các bộ, ngành với các địa phương. Giáo sư H.Detlef Kammeier - chuyên gia quốc tế về quy hoạch lại nhận xét, hiện mô hình quy hoạch của Việt Nam là từ trên xuống nên xuất hiện tình trạng tập trung quan liêu. Cấp chính quyền địa phương chịu tác động từ mạng lưới chính quyền trung ương và thiếu năng lực nên có những quy hoạch kém hiệu quả…

Hiện nền kinh tế của chúng ta đã phát triển lên một tầm cao mới, đặc biệt là Việt Nam bắt đầu đạt ngưỡng quốc gia có thu nhập trung bình và đang chủ động hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nên việc thay đổi phương pháp xây dựng và quản lý quy hoạch là một đòi hỏi thực tiễn khách quan. Ông Lawrie Wilson, Giám đốc Dự án quốc tế của Hansen Partnership Pty cho rằng, sự ra đời của Luật Quy hoạch sẽ là nhân tố thúc đẩy cuộc cải cách không ngừng của toàn bộ hệ thống quy hoạch và quản lý phát triển của Việt Nam. Còn theo TS Nguyễn Quang, Luật Quy hoạch cần có tính linh hoạt để tạo điều kiện cho sự vận hành của thị trường. Cùng với đó, luật cần làm rõ vai trò can thiệp tạo điều kiện của Nhà nước, cần có các quy định, chính sách khuyến khích đầu tư, thuế, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, luật cần chi tiết hóa cơ chế phối hợp thực hiện quy hoạch, tạo điều kiện cho sự tham gia của các bên liên quan hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững…

Việc tổ chức hội nghị chuyên đề, lấy ý kiến rộng rãi để xây dựng và tiến tới ban hành Luật Quy hoạch là hết sức cần thiết vì quy hoạch là một trong những công cụ có tác dụng hỗ trợ đắc lực cho các cấp lãnh đạo trong chỉ đạo, điều hành thực hiện những nhiệm vụ nhằm cụ thể hóa những mục tiêu chiến lược của đất nước được đề ra trong từng thời kỳ, từng giai đoạn. Để tiếp tục khẳng định vai trò của quy hoạch đòi hỏi chúng ta phải xây dựng một khung pháp lý hợp lý, hiệu lực để khắc phục được những tồn tại, hạn chế hiện nay, tránh tình trạng quy hoạch "mạnh ai, nấy làm" hoặc xây dựng quy hoạch chỉ vì lợi ích cục bộ của ngành, địa phương, không vì tổng thể phát triển chung của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể "mạnh ai, nấy làm"… quy hoạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.