Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trên hết là trách nhiệm với người dân

Đan Nhiễm| 03/10/2015 06:43

(HNM) - Đi vào sử dụng từ năm 2009, đảm trách cấp nước sạch cho khoảng 70.000 hộ dân khu vực phía tây Hà Nội nhưng đến thời điểm này, tuyến ống dẫn nước sạch từ Nhà máy Nước Sông Đà (tại tỉnh Hòa Bình, do Tổng công ty Vinaconex xây dựng, vận hành) đã vỡ 15 lần và tần suất vỡ ngày càng dày.

Cũng vì thế mà ở nhiều khu dân cư nội thành Hà Nội, tình cảnh thức trắng đêm chờ nước đã là chuyện thường ngày. Người dân đã khổ nhưng chuyện bệnh viện thiếu nước để tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân được báo chí đề cập mấy ngày qua quả là chuyện đau lòng. Quan trọng nhất, không ai dám chắc đến bao giờ đường ống truyền dẫn nước này sẽ… ngừng vỡ.

Trước thực trạng trên, ngày 1-10, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị cho phép áp dụng cơ chế đặc thù triển khai xây dựng khẩn cấp tuyến ống truyền dẫn nước sạch Sông Đà từ quốc lộ 21 đến đường Vành đai 3. Đường ống khẩn cấp này được thiết kế có lưu lượng 60.000-70.000m3nước/ngày đêm, ứng cứu cho tuyến ống hiện có. Do tính chất quan trọng và cấp bách của công trình, TP Hà Nội đề nghị Thủ tướng quyết định cho phép đầu tư theo cơ chế xây dựng đặc thù, công trình xây dựng theo lệnh cấp bách.

Sở dĩ Hà Nội chọn hướng đầu tư đường ống mới theo cơ chế xây dựng công trình đặc thù, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp là để rút ngắn các thủ tục hành chính, vốn mất rất nhiều thời gian để có thể triển khai xây dựng và đưa công trình vào vận hành. theo quy định tại điểm c, Khoản 2, Điều 42 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18-6-2015 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp, cấp bách là công trình có yêu cầu triển khai xây dựng ngay để tránh gây thảm họa trực tiếp đến sinh mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng hoặc để không ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến các công trình lân cận, công trình liền kề… Điều 43 Nghị định nói trên cũng quy định: Việc quản lý đầu tư xây dựng đối với công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp, có tính cấp bách được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 89 của Luật Xây dựng năm 2014. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép người quyết định đầu tư công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp, có tính cấp bách quyết định hoặc ủy quyền cho chủ đầu tư quyết định, chịu trách nhiệm về việc tổ chức quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng và được giao thầu (không thông qua lựa chọn nhà thầu) từ giai đoạn lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng cho đến giai đoạn hoàn thành đưa công trình vào khai thác, sử dụng...

Nếu được Thủ tướng chấp thuận, sớm nhất cũng phải một vài tháng nữa thì đường ống "giải cứu" tình trạng thiếu nước sinh hoạt của hơn 1 triệu người dân khu vực phía tây thành phố mới có thể đi vào vận hành, khai thác. Tuy nhiên, mọi công tác chuẩn bị để việc khởi công tuyến đường ống này đã được khẩn trương lên kế hoạch, các đầu việc, trách nhiệm của từng sở, ngành, đơn vị thi công… đã cơ bản được thống nhất. Nguồn vốn cho dự án dự kiến là hơn 860 tỷ đồng cũng đã được Hà Nội bố trí qua vốn vay từ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố. Hà Nội cũng cam kết, sau khi được Thủ tướng cho phép, UBND thành phố sẽ chỉ đạo triển khai bảo đảm đúng quy định. Điều đó cũng cho thấy, vượt qua những "rào cản" hành chính, Hà Nội đã vào cuộc với một tinh thần trách nhiệm cao để giải quyết kịp thời vấn đề bức xúc của đời sống dân sinh, thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Việc gì có lợi cho dân phải gắng sức làm...".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trên hết là trách nhiệm với người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.