Theo dõi Báo Hànộimới trên

Báo động, rồi thì sao?

Chử Thu Thảo| 30/11/2015 06:01

(HNM) - Ở nước ta, một số mặt công tác còn nhiều hạn chế. Nói về những mặt hạn chế này, đặc biệt là khi sự thể có sự lặp đi lặp lại, một phần do giải pháp quản lý không được thực hiện một cách hiệu quả, người ta thường dùng từ "báo động", "cảnh báo".

Điều đáng nói là nhiều khi tín hiệu "báo động" trong một lĩnh vực được phát ra liên tục, lặp đi lặp lại, khiến cho người tiếp nhận cảm thấy nản. Đánh tiếng báo động rồi, nhiều lần rồi mà sự xấu, sự yếu kém vẫn vậy, có cảm giác như nghe "báo động giả" vậy.

Có thể thấy điều nói trên trong lĩnh vực quản lý di sản văn hóa, chẳng hạn như vấn nạn mất cắp cổ vật trong đình, chùa trên phạm vi cả nước, nạn "hôi của" từ những con tàu đắm chứa vô vàn cổ vật đáng giá, nạn xâm hại các di chỉ khảo cổ... Lúc dồn dập, khi âm thầm, "tiếng kêu cứu" từ di sản dường như không lúc nào ngớt, theo sau đó là bao hội thảo, hội nghị chuyên đề nhằm tìm giải pháp cho vấn đề được dư luận quan tâm. Những năm đầu của thế kỷ này, ngành Di sản văn hóa Việt Nam "gióng tiếng chuông báo động" sau khi chứng kiến hàng loạt cổ vật quý trong di tích "đội nón" ra đi mà không thể xác định được thủ phạm. Cũng trong khoảng thời gian đó, nạn trộm cắp cổ vật trên những con tàu đắm trong vùng biển Việt Nam được đánh giá là nghiêm trọng. Vào năm 2003, báo cáo từ cơ quan chủ quản về văn hóa và từ các địa phương cho thấy hàng loạt di tích bị kẻ gian đột nhập, lấy trộm cổ vật. Đền Hai Bà Trưng (Hà Tây - Hà Nội) mất sắc phong, chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) và chùa Biện Sơn (Vĩnh Phúc) mất tượng, chùa Tây Phương (Hà Tây - Hà Nội) bị trộm lấy mất pho tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay… Những di chỉ khảo cổ đáng chú ý ở Hòa Bình, An Giang, Nam Định… bị kẻ gian đào phá và nạn trục vớt trái phép cổ vật trong những con tàu đắm tại vùng biển Cà Mau, Kiên Giang, Cù Lao Chàm diễn ra ngày một khó kiểm soát.

Hội thảo, hội nghị sau đó nói vấn nạn này gay gắt lắm, có sự tham gia của chuyên gia, nhà quản lý, đại diện UNESCO. Nhiều giải pháp được đề ra, có cả yêu cầu liên quan đến phần việc của hải quan nhằm kiểm soát tình trạng xuất lậu cổ vật, tăng cường vai trò của các ban quản lý di tích, đề xuất những điều khoản có liên quan đến khảo cổ học dưới nước cần được luật hóa…

Hiệu quả triển khai thực hiện các giải pháp đã được đề ra chưa biết thế nào, có phải đúng như lời của một cán bộ quản lý ngành Di sản văn hóa là "tình trạng trộm cắp cổ vật đã giảm dần" thì vào năm 2014, truyền thông lại đưa thông tin "nhức nhối nạn mất cắp cổ vật ở đình, chùa" tại Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang. Và cuối tuần qua, VTV "gióng chuông báo động… lại" về vấn nạn này. Lần này là "thời gian gần đây, một loạt cổ vật quý tại Chùa Nền, phường Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội đã bị biến mất một cách bí ẩn". Tất nhiên, như thường thấy, kèm theo thông tin về sự mất mát đáng tiếc là hàng loạt câu hỏi, rằng: "Có bao nhiêu ngôi chùa cũng rơi vào tình trạng tương tự như Chùa Nền?", rằng trách nhiệm bảo vệ cổ vật tại các đình, chùa thuộc về ai? Cơ quan nào?"…

Di sản là ký ức lịch sử, văn hóa, truyền thống của dân tộc, không thể định giá bằng tiền. Vấn đề đã được bàn nhiều, giải pháp đã có nhiều nhưng khi nạn mất cắp cổ vật vẫn tiếp tục diễn ra, tất yếu phải xem xét nghiêm túc trách nhiệm quản lý ngành, những cá nhân, tập thể được trao trách nhiệm quản lý, bảo vệ di tích. Sự mất dần mất mòn cổ vật tại các đình, chùa, di chỉ khảo cổ… là sự mất mát không thể định lượng cũng như không thể "gióng tiếng chuông báo động" rồi thôi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Báo động, rồi thì sao?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.